Người đàn ông 36 tuổi tìm lại nhịp sống nhờ cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn

“Mỗi lần choáng, tôi chỉ biết bám vào tường để không gục xuống. Bao nhiêu thuốc men, khám chữa vẫn không khá hơn... Tôi sợ, sợ đến mức chẳng dám đi đâu xa” – Anh P.H.N (36 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) nghẹn ngào kể lại quãng thời gian suốt 3 năm ròng rã sống chung với những cơn choáng váng bất ngờ, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
16:20 | 30/04/2025

Anh từng đi nhiều nơi, gặp nhiều bác sĩ, thử đủ các phương pháp điều trị, nhưng những triệu chứng kỳ lạ cứ liên tục quay trở lại – như một “bóng ma” đeo bám cuộc sống anh không phút nào yên.

Nhờ người quen giới thiệu, anh tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An – nơi có chuyên khoa Tim mạch với đội ngũ bác sĩ chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại. Tại đây, anh được thực hiện Holter điện tâm đồ 24 giờ – một xét nghiệm theo dõi nhịp tim liên tục trong ngày. Kết quả cho thấy nhiều thời điểm tim anh chỉ đập 36 nhịp/phút – một con số đáng báo động.

Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc hội chứng suy nút xoang có triệu chứng – một rối loạn nhịp tim do “trung tâm điều khiển nhịp” trong tim hoạt động kém, không thể phát tín hiệu điện đủ đều hoặc đủ mạnh. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim, thậm chí đột tử.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, ThS.BS Nguyễn Công Vân – Trưởng khoa Nội Tim Mạch – Can thiệp Tim Mạch, đã tư vấn người nhà phương pháp điều trị tối ưu nhất là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Ekip bác sĩ cấy máy tạo nhịp tim dưới da vùng ngực trái cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Ekip bác sĩ cấy máy tạo nhịp tim dưới da vùng ngực trái cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Chiếc máy nhỏ gọn nhưng đầy "quyền năng" này sẽ đóng vai trò như một người "nhạc trưởng" thầm lặng, đảm bảo tim luôn hoạt động với nhịp ổn định – dù người bệnh nghỉ ngơi hay vận động. Đặc biệt, thiết bị còn cho phép chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân và tự điều chỉnh theo nhu cầu vận động của cơ thể.

Ca phẫu thuật được thực hiện trong gần 2 giờ, với sự phối hợp ăn ý của các bác sĩ Nội Tim Mạch và Gây mê Hồi sức, dưới hỗ trợ của hệ thống DSA hiện đại. Chiếc máy được đặt tinh tế dưới da vùng ngực trái, dây điện cực được luồn chính xác vào trong buồng tim.

Sau hơn một tuần điều trị và theo dõi, anh N. hồi phục tốt, các triệu chứng từng khiến anh khốn khổ suốt 3 năm qua giờ đã hoàn toàn biến mất. Anh trở về cuộc sống thường nhật với một trái tim “mới” – khỏe khoắn và vững vàng hơn bao giờ hết.

ThS.BS. Nguyễn Công Vân chia sẻ thêm: “Suy nút xoang thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, nhưng không loại trừ người trẻ. Nguy hiểm ở chỗ, bệnh diễn tiến âm thầm và chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi có dấu hiệu như mệt mỏi, đau ngực, khó thở, choáng váng hoặc ngất xỉu – tuyệt đối không được chủ quan mà nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch để được kiểm tra và can thiệp kịp thời”.

Tú Uyên

comment Bình luận