Người phụ nữ nuốt hàm răng giả trong lúc ngủ

Quên tháo răng giả trước khi đi ngủ, bà N.T.H.T (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã vô tình nuốt trôi cả hàm răng giả vào bụng. Khi tỉnh dậy, bà cảm thấy đau âm ỉ vùng thượng vị nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám.
9:31 | 08/04/2025

Theo lời kể của bà T., sau khi thức dậy và đi đánh răng, bà phát hiện hàm răng giả tháo lắp ở hàm trên đã biến mất. Bà tìm kiếm khắp khu vực xung quanh chỗ ngủ nhưng không thấy. Khi uống nước, bà cảm thấy đau ở cuống họng và âm ỉ ở vùng thượng vị nên nghi ngờ hàm răng giả đã bị nuốt vào bụng. Ngay lập tức, bà được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để kiểm tra.

Bác sĩ Trịnh Quang Nghĩa – Khoa Nội soi cho biết, bà T. nhập viện trong tình trạng nuốt nghẹn và đau bụng. Các bác sĩ đã chỉ định chụp X-quang và phát hiện có dị vật trong dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày có gây mê để lấy dị vật ra.

Ekip phẫu thuật nội soi gắp dị vật ra cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật nội soi gắp dị vật ra cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

“Thông qua hình ảnh X-quang, chúng tôi xác định có dị vật nằm trong dạ dày bệnh nhân. Do đó, chúng tôi tiến hành nội soi có gây mê để việc tìm và gắp dị vật được thuận lợi. Khi đưa ống nội soi vào dạ dày, ê-kíp phát hiện dị vật là một hàm răng giả tháo lắp. Chúng tôi đã nhanh chóng sử dụng dụng cụ nội soi chuyên dụng để lấy dị vật ra ngoài. Khoảng 5 phút sau, quá trình nội soi kết thúc, hàm răng giả có kích thước khoảng 3cm được lấy ra. Sức khỏe bệnh nhân cũng ổn định ngay sau đó”, bác sĩ Nghĩa cho biết.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Khi không may nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để được can thiệp kịp thời, tránh biến chứng như tắc ruột hoặc thủng ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, đối với người cao tuổi sử dụng răng giả, nên ưu tiên dùng răng cố định thay vì răng tháo lắp. Nếu sử dụng răng tháo lắp, cần tháo ra trước khi đi ngủ để tránh nguy cơ nuốt phải vào phế quản hoặc dạ dày – rất nguy hiểm.

Cao Ánh

comment Bình luận