Người phụ nữ 78 tuổi “giải thoát” sau gần 20 năm chịu đựng sa sinh dục

Sau gần 20 năm chịu đựng những bất tiện do khối sa tử cung ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bà L.T.Q (78 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) đã tìm lại được cảm giác thoải mái sau ca phẫu thuật nội soi cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng. Ca mổ đã chấm dứt chuỗi ngày phiền toái kéo dài do sa sinh dục.
13:53 | 05/04/2025

Theo chia sẻ của bà Q., bà bị sa tử cung gần 20 năm nay. Tình trạng ngày càng nặng hơn, khối sa lớn dần, gây chảy máu âm đạo, đau đớn, tiểu khó và di chuyển khó khăn do khối sa vướng víu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khi đến khám tại Khoa Ngoại Tiết niệu, bà được các bác sĩ thăm khám âm đạo, đánh giá mức độ sa và chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) động học sàn chậu. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị sa tạng chậu độ 4, khối sa tử cung lộ ra ngoài âm hộ với chiều dài gần 5cm.

Ekip phẫu thuật nội soi ổ bụng để cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật nội soi ổ bụng để cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Trước tình trạng này, các bác sĩ đã tư vấn thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng để cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng. Đây là phương pháp hiện đại, hiệu quả nhất hiện nay, sử dụng mảnh ghép nhân tạo để đưa sàn chậu trở lại vị trí giải phẫu bình thường. Phẫu thuật không chỉ giúp đưa tử cung trở lại đúng vị trí mà còn xử lý đồng thời tình trạng sa các cơ quan khác như bàng quang và trực tràng.

ThS.BS.CKII Nguyễn Vĩnh Bình – Khoa Ngoại Tiết niệu cho biết: "Bệnh nhân Q. có khối sa tử cung mức độ nặng ảnh hưởng lớn đến chức năng tiểu tiện. Tuổi cao cũng là một trở ngại lớn trong phẫu thuật. Tuy nhiên, với kỹ thuật nội soi đặt mảnh ghép cố định sàn chậu vào mỏm nhô xương cùng, chúng tôi đã đặt thành công tấm lưới sinh học giúp đưa tử cung, bàng quang và trực tràng trở về vị trí bình thường mà vẫn bảo tồn được các cơ quan này".

Ngoài ra, phẫu thuật nội soi giúp hạn chế chảy máu, đường mổ nhỏ, ít xâm lấn nên quá trình hồi phục sau mổ nhanh chóng. “Việc chỉ cắt tử cung không thể điều trị dứt điểm sa sinh dục, bởi nguyên nhân chính là do sàn chậu bị suy yếu. Nếu không phục hồi vị trí sàn chậu, bệnh nhân vẫn có thể bị sa mỏm cắt tử cung”, BS Bình nhấn mạnh.

Hai ngày sau mổ, bà Q. phục hồi tốt, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Sa tạng chậu (còn gọi là sa sinh dục) là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt ở những người lớn tuổi, từng sinh đẻ nhiều. Khi bị sa sinh dục, người bệnh thường gặp tình trạng khối sa lòi ra ngoài âm đạo, gây đau rát, tiểu khó, đi lại bất tiện. Trong những trường hợp nặng, khối sa không thể đẩy lên được, dễ dẫn đến nhiễm trùng, chảy máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.

Nếu không được điều trị kịp thời, tử cung có thể sa ra ngoài nhiều, gây viêm loét cổ tử cung. Đồng thời, khối sa có thể làm lệch cấu trúc vùng sàn chậu, kéo theo sa bàng quang, dẫn đến tiểu khó, bí tiểu, thậm chí gây thận ứ nước, nhiễm trùng do tắc nghẽn đường tiểu.

Cao Ánh

comment Bình luận