Hoạt động trị liệu (Occupational Therapy)

Hoạt động trị liệu (HĐTL) là một ngành khoa học sức khỏe huấn luyện người bệnh, khách hàng trẻ em lẫn người lớn thực hiện các hoạt động hằng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, học tập, làm việc, giải trí,.. phù hợp với nhu cầu của họ.

Để thực hiện phương pháp này, các nhà HĐTL sẽ thông qua việc luyện tập các kỹ năng, thích nghi hoạt động, cải tạo và điều chỉnh môi trường cho phù hợp và thuận lợi với tình trạng mỗi người, hoặc sử dụng các dụng cụ trợ giúp để đạt được mục tiêu đặt ra. Với chương trình can thiệp đa dạng, dành cho nhiều đối tượng người bệnh khác nhau, ở những môi trường khác nhau, HĐTL đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc thực hiện độc lập các hoạt động thường ngày.

Không giống như vật lý trị liệu, tập trung vào sức mạnh cơ, tầm vận động khớp và chức năng vận động,  hoạt động trị liệu tập trung vào các chức năng sinh hoạt hàng ngày và là nền tảng giúp người bệnh độc lập trong cuộc sống. Chẳng hạn, sau khi bị đột quỵ, chấn thương não do tại nạn, một người có thể khó khăn đi lại, tắm rửa thay đồ, nấu cơm nấu nước, khó tiếp tục công việc, thì cần có một nhà HĐTL. Với khả năng chuyên môn họ có thể đánh giá, tư vấn, huấn luyện để người bệnh sau khi hết bệnh để có thể trở lại với công việc trước đây, với những cách thức phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Với trẻ em bị bại não, tự kỷ, chậm phát triển, khó khăn học, rối loạn điều hòa cảm giác,… Nhà HĐTL giúp bé học các cách ăn uống, thực hiện chăm sóc cá nhân,  tham gia vui chơi, học tập phù hợp với năng lực với sự điều chỉnh môi trường và hỗ trợ của dụng cụ trợ giúp hoặc thích nghi.

Ảnh nh họa

Người cần can thiệp HĐTL là những người có khiếm khuyết, bệnh lý về thể chất, tinh thần hoặc khó khăn trong việc duy trì, tham gia sinh hoạt hằng ngày như: Người bệnh sau đột quỵ, chấn thương sọ não; bệnh lão khoa, sa sút trí tuệ; đoạn chi, gãy xương, tổn thương gân cơ; bại não, chậm phát triển; rối loạn phổ tự kỉ, rối loạn phát triển, rối loạn điều hòa cảm giác; rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm; người chăm sóc cho người khuyết tật đang gặp khó khăn tromg việc cân bằng các hoạt động cuộc sống,..

Mỗi người bệnh sẽ được thiết kế chương trình can thiệp phù hợp với nhu cầu và theo cách mà họ mong muốn.

Một số lợi ích mà HĐTL mang lại: Bảo tồn và gia tăng các chức năng của cơ thể; tạo thuận lợi cho việc học các kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống; giảm bớt quá trình bệnh lý; duy trì và nâng cao sức khỏe; cải thiện chất lượng cuộc sống

Một số biện pháp can thiệp của HĐTL: Hướng dẫn can thiệp đặt tư thế đúng; kiến nghị về điều chỉnh môi trường sống như đảm bảo ánh sáng, thiết kế tay vịn, vị trí các vật dụng,..; tư vấn, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ thích nghi phù hợp; huấn luyện thực hiện các kỹ năng hoạt động sống như ăn uống, vệ sinh, làm việc, di chuyển,..; các chương trình thiết kế thời gian biểu, nếp sống hằng ngày như cai rượu và chất kích thích,…

Nhà HĐTL làm việc ở nhiều môi trường: Tại bệnh viện, phòng khám, tại nhà người bệnh, trường học và các tổ chức cộng đồng khác.

Theo Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố