Phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em

Hằng năm, khi mùa hè đến cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và cộng đồng. Vì vậy cần trang bị thêm kiến thức về cách phòng tránh và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế khi gặp các tình huống này xảy ra.
10:20 | 25/06/2024

Đuối nước là khi có sự xâm nhập đột ngột và nhiều của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, mồm, khí phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa oxy không thể vào phổi được gọi là đuối nước. Hậu quả là não bị thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bị chết hoặc để lại di chứng não nặng nề.

Biết bơi không đủ đảm bảo an toàn cho học sinh, trên thực tế nhiều người lớn, khỏe mạnh, bơi giỏi vẫn bị chết đuối nếu lơ là, chủ quan. Vì thế, học sinh cần biết thêm những biện pháp khác nữa để giúp các em cách bảo vệ mình.

Nguyên nhân dẫn đến đuối nước

Nguyên nhân khách quan: Tắm sông hồ là điều thường thấy ở nhiều vùng miền khắp cả nước; lũ lụt; hố sâu công trình chưa san lấp; cầu qua sông, rạch chưa an toàn (cầu khỉ, cầu tạm ko có tay vịn..); chum vại, giếng, hố ga không có nắp đậy; đi thuyền không mặc áo phao,chở quá số người quy định…

Nguyên nhân chủ quan: Trẻ nhỏ có bản tính hiếu động, tò mò thích nghịch ngợm, nô đùa mà không có sự giám sát, trông chừng của gia đình; đi qua chỗ nước xiết; không chấp hành biển báo; không biết bơi, không biết các nguyên tắc an toàn khi bơi; chơi gần ao, hồ, sông, rạch nhưng không có người lớn trông chừng; không được trang bị những phương tiện bảo hộ khi đi lại trên ghe, phà, đò…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng tránh đuối nước

Nắm vững nguyên tắc 3 không:

Không xuống nước nếu không biết bơi hoặc khi cơ thể mệt mỏi.

Không bơi, lội một mình.

Không bơi, lội khi thời tiết đang hoặc sắp chuyển xấu (như mưa to, dông,sét,…) và không bơi, lội trong vùng sình lầy.

Một số lưu ý đối với trẻ em khi tham gia bơi, lội:

Nhảy cắm đầu (dễ bị tai nạn khi gặp vùng nước nông hoặc vật nguy hiểm dưới đáy); bơi thi ở nơi không có chỉ dẫn (dễ gặp tai nạn bất ngờ).

Bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa (dễ gặp tai nạn đuối nước).

Không khởi động, khởi động không kĩ hoặc vận động quá sức trước khi xuống nước (dễ bị chuột rút, chấn thương khớp vai, gối).

Ăn uống khi đang bơi (dễ bị sặc nước).

Đi bơi ngay sau khi ăn no (dễ bị nôn, dễ ngạt nước, máu lên não không đủ gây choáng váng, tạm mất ý thức, dễ gây chuột rút)

Không thông báo cho gia đình biết khi cùng bạn đi bơi; rủ nhau đi tắm, vui chơi ở sông, hồ, ao,… khi được nghỉ học ở trường.

Các biện pháp phòng tránh phòng tránh đuối nước cho trẻ em

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi phải có phao bơi an toàn.

Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.

Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.

Nên cho trẻ tập bơi sớm.

Trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội cho trẻ em

Trên đây là hướng dẫn các kỹ năng cơ bản nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho con em và những người thân trong gia đình.

CDC Lâm Đồng

 
comment Bình luận