Lớp học kỹ năng số đầu tiên cho người cao tuổi tại CitiHome: Hơn cả một buổi học công nghệ

Ngày 24/4, lớp kỹ năng số cơ bản dành cho người cao tuổi đã chính thức khai giảng tại chung cư CitiHome (TP. Thủ Đức), thu hút hơn 30 học viên tham gia. Đây là lớp học hoàn toàn miễn phí, do chương trình “Công Dân Số Bạc” tổ chức với mục tiêu hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ một cách an toàn, dễ hiểu và thực tiễn. Lớp cơ bản dự kiến kéo dài 4-5 ngày, tới 27/4.
9:15 | 26/04/2025

Học viên đặc biệt – những “công dân số bạc” ở tuổi xế chiều

Lớp kỹ năng số tại CitiHome có độ tuổi trung bình 65, phần lớn là các cô chú đang sinh hoạt tại Chi hội Người cao tuổi chung cư. Học viên lớn tuổi nhất là cụ bà Đới Thị Vân (85 tuổi) – người luôn mang theo cuốn sổ tay nhỏ và chiếc điện thoại đã dùng nhiều năm để ghi chép cẩn thận từng thao tác.

Ban đầu, chi hội nhận được 19 đơn đăng ký trực tiếp, nhưng sau khi các con cháu biết đến chương trình qua mạng, đã có hơn 40 đơn đăng ký online gửi về. Tới buổi học thứ hai, số lượng học viên tăng lên 23 người, khiến các tình nguyện viên “vừa vui vừa vất vả” khi phải hỗ trợ cùng lúc nhiều cô chú chưa quen thao tác.

Lớp học kỹ năng số cho người cao tuổi

Lớp học kỹ năng số cho người cao tuổi

Để hỗ trợ hiệu quả, lớp học được chia thành hai nhóm vui nhộn: team i-Fan (dùng iPhone với hệ điều hành iOS) và team Bé ‘An’ (Android). Cách gọi thân mật này không chỉ giúp các cô chú dễ nhớ mà còn tạo không khí gần gũi, ấm áp, đúng chất lớp học tuổi xế chiều – nơi công nghệ không còn là điều xa lạ, mà trở thành cầu nối để mỗi người lớn tuổi tiếp tục đồng hành với con cháu trong thế giới số.

Chương trình học sát nhu cầu thực tế

Khóa học Kỹ Năng Số Cơ Bản được thiết kế riêng cho người cao tuổi với nội dung dễ hiểu, thực hành trực tiếp trên điện thoại cá nhân. Trong buổi đầu tiên, học viên được làm quen với điện thoại thông minh, học cách bật/tắt máy, chụp ảnh, lưu ảnh và cài đặt cơ bản. Buổi thứ hai tập trung vào kỹ năng giao tiếp số, hướng dẫn cách gọi video, nhắn tin và kết nối với con cháu qua Zalo, Facebook. Buổi thứ ba giúp các cô chú nhận biết thông tin giả, cách phòng tránh lừa đảo trên mạng xã hội và thực hành tra cứu thông tin chính thống. Đặc biệt, buổi thứ tư hướng dẫn chi tiết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký VNeID, VssID và các thủ tục điện tử phổ biến. Cuối cùng, chương trình có buổi ôn tập tự chọn để củng cố thao tác và giải đáp thắc mắc theo nhu cầu học viên.

Khi nhận được lời ngỏ từ chương trình “Công Dân Số Bạc” và sự hỗ trợ kết nối từ Ban quản lý chung cư, chú Nguyễn Thanh Lâm – Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi tại CitiHome – cho biết chú rất hào hứng. “Tôi trao đổi với các ông bà trong chi hội để làm khảo sát ban đầu, ai cũng tò mò và mong muốn được học. Công nghệ với người cao tuổi còn nhiều điều mới lạ, nên ban đầu chúng tôi khá bỡ ngỡ. Nhưng nhờ cách hướng dẫn tận tình, nhiều cụ giờ không chỉ bật được điện thoại cảm ứng mà còn chủ động hỏi han, phát biểu sôi nổi nhất lớp”.

Chương trình “Công Dân Số Bạc” với mục tiêu hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ một cách an toàn, dễ hiểu và thực tiễn

Chương trình “Công Dân Số Bạc” với mục tiêu hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ một cách an toàn, dễ hiểu và thực tiễn

Cụ bà Ngọc Lan (71 tuổi) cũng vui vẻ chia sẻ: “Tôi học để không bị lạc hậu với con cháu. Các cháu bên dự án giải thích về mã QR, đường link, email…nhiều cái mới lạ. Cũng có mấy cái khó như mã bảo mật hay đăng ký vào mạng…, trước giờ tôi có nhờ con cháu giúp nhưng giờ đã biết làm”.

ThS. Phan Bảo Thy – Giám đốc chương trình “Công Dân Số Bạc” chia sẻ: “Người lớn tuổi không ngại học, điều họ cần chỉ là một cách dạy phù hợp. Chúng tôi không chỉ truyền đạt kỹ năng mà còn tạo dựng một tâm thế tự tin, giúp các cô chú nhận ra mình luôn có thể học hỏi và khám phá những điều mới. Mục tiêu của chúng tôi là không chỉ giúp người cao tuổi nắm bắt công nghệ mà còn mở ra một cánh cửa mới để họ sống chủ động và tự tin trong thế giới số. Chúng tôi tin rằng khi họ học cùng nhau, chia sẻ và thậm chí đứng lớp, họ sẽ không chỉ vượt qua sự tự ti mà còn tìm thấy niềm vui và cơ hội mới, thậm chí có thể có thu nhập từ những kỹ năng đã học. Điều đặc biệt là sự tham gia của các thế hệ sinh viên (genZ), tình nguyện viên và người đi làm (genY,X) tạo nên một môi trường học tập đầy ắp sự kết nối, hỗ trợ và sẻ chia, giúp xây dựng một cộng đồng gắn kết, nơi mọi người đều có thể cùng nhau phát triển”.

Hiện tại, chương trình đang tập trung mở các lớp ở khu vực Thủ Đức, TP.HCM. Chúng tôi đang mở đăng ký dành cho các tổ chức, khu dân cư hoặc địa phương có nhu cầu tổ chức lớp kỹ năng số cho người cao tuổi.

Về dự án “Công Dân Số Bạc”

“Công Dân Số Bạc” là một sáng kiến giáo dục kỹ năng số và chăm sóc đời sống tinh thần dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam. Dự án ra đời với sứ mệnh thu hẹp khoảng cách số, giúp người lớn tuổi không bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghệ, đồng thời tăng cường sự gắn kết xã hội và chất lượng sống tích cực cho nhóm dân số đang ngày càng gia tăng này.

Khởi điểm từ đầu năm 2025 đến nay, chương trình đã triển khai thí điểm tại TP.HCM và một số khu vực lân cận, thu hút gần 100 lượt người cao tuổi đăng ký và tham gia các lớp học miễn phí như kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, giao tiếp qua mạng, nhận biết thông tin giả, sử dụng dịch vụ công điện tử…

“Công Dân Số Bạc” là một sáng kiến giáo dục kỹ năng số và chăm sóc đời sống tinh thần dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam

“Công Dân Số Bạc” là một sáng kiến giáo dục kỹ năng số và chăm sóc đời sống tinh thần dành riêng cho người cao tuổi tại Việt Nam

Không dừng lại ở đó, “Công Dân Số Bạc” dự kiến sẽ mở rộng sang các hoạt động hỗ trợ toàn diện như: lớp tiếng Anh giao tiếp, vẽ và nghệ thuật thị giác, tập luyện thể thao phù hợp với lứa tuổi, giúp người cao tuổi sống vui – khỏe – có ích và tiếp tục đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Hiện nay, dự án có sự tham gia tích cực của hơn 30 tình nguyện viên và cộng tác viên, là sinh viên các trường đại học và người đi làm, cán bộ hưu trí trong lĩnh vực công nghệ – truyền thông – giáo dục. Họ đóng vai trò là người hướng dẫn trực tiếp, hỗ trợ thao tác cá nhân cho từng học viên tại lớp.

Dự án hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội kết hợp quỹ phi lợi nhuận, hướng đến phát triển bền vững. Giai đoạn 2025–2027, “Công Dân Số Bạc” đặt mục tiêu mở rộng ra ítnhất 10 tỉnh, thành phố, hợp tác cùng chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để lan tỏa mô hình giáo dục nhân văn, đa thế hệ.

Tầm nhìn của “Công Dân Số Bạc” là xây dựng một hệ sinh thái học tập – kết nối – chia sẻ cho người cao tuổi Việt Nam, nơi mỗi cá nhân đều có thể thích nghi với công nghệ và sống một tuổi già chủ động, nhân văn và hạnh phúc.

Quang Nhân

comment Bình luận