Kỹ thuật nội soi tiêu hóa đặt sonde qua u: Bước tiến mới trong điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi tiêu hóa đặt sonde qua khối u giải áp – phương pháp hiện đại giúp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng có biến chứng tắc ruột, hạn chế nguy cơ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.
11:09 | 07/05/2025

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, thường gặp ở người trên 45 tuổi. Bệnh thường diễn tiến âm thầm với các triệu chứng dễ nhầm lẫn như rối loạn tiêu hóa, tiêu máu, táo bón kéo dài... khiến người bệnh chủ quan, không đi khám sớm.

Với các trường hợp ung thư gây tắc ruột, thông thường người bệnh phải trải qua hai cuộc mổ: đầu tiên là mở hậu môn nhân tạo để giải áp, sau đó mới tiến hành phẫu thuật triệt để cắt khối u. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro như biến chứng gây mê, nhiễm trùng, thời gian hồi phục lâu và chi phí điều trị cao.

Hình ảnh CT khối u đại tràng của bệnh nhân T. (Ảnh: BVCC)

Hình ảnh CT khối u đại tràng của bệnh nhân T. (Ảnh: BVCC)

Giải pháp mới nội soi tiêu hóa đặt sonde qua u giải áp được xem là bước đột phá. Theo ThS.BS.CKII Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, kỹ thuật này cho phép xử lý tình trạng tắc ruột cấp một cách an toàn, tránh được phẫu thuật khẩn cấp trong thời điểm nguy hiểm. Sau khi đặt sonde, bệnh nhân có thời gian hồi phục thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật triệt để, nhờ đó cải thiện hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.

Mới đây, bệnh viện đã điều trị thành công cho bà N.T.T (51 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện. Qua thăm khám và chụp CT-scan, bác sĩ phát hiện bà bị ung thư đại tràng ngang gây tắc ruột. Ekip chuyên môn đã thực hiện nội soi đặt ống thông chuyên biệt qua khối u để giải áp. Sau một tuần hồi sức, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u và tái lập lưu thông ruột thành công.

"Phương pháp này giúp người bệnh chỉ cần trải qua một cuộc mổ, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, đồng thời tránh được việc phải mang hậu môn nhân tạo trên thành bụng – một điều ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sinh hoạt người bệnh", BS Tuấn cho biết.

Sau phẫu thuật hai ngày, bệnh nhân T. đã trung tiện, ăn uống và đi lại bình thường.

Ekip phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u và tái lập lưu thông ruột cho bệnh nhân T. (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u và tái lập lưu thông ruột cho bệnh nhân T. (Ảnh: BVCC)

Để thực hiện kỹ thuật này, đòi hỏi phải có hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại, hình ảnh sắc nét và thiết bị C-ARM giúp định vị chính xác sonde. Ngoài ra, ê-kíp phẫu thuật cũng cần dày dạn kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á là một trong những cơ sở đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công kỹ thuật này, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng, đặc biệt là các trường hợp có biến chứng tắc ruột.

“Người trên 45 tuổi nên chủ động tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ. Khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng kéo dài, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời”, BS Tuấn khuyến cáo.

Cao Ánh

comment Bình luận