Kon Tum: Tăng cường công tác vệ sinh môi trường - phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue

Sở Y tế Kon Tum vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường (VSMT) - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh.
9:56 | 26/08/2024

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương khẩn trương, tích cực, chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD với phương châm: “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng chống SXHD bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch bùng phát lan rộng.

Tổ chức đánh giá hiệu quả công tác diệt lăng quăng/bọ gậy thông qua việc giám sát chỉ số lăng quăng/bọ gậy; dựa trên nguyên tắc 1 thôn có chỉ số vượt mức an toàn cho phép thì xã/phường/thị trấn đó chưa đạt về công tác diệt lăng quăng/bọ gậy. Phạm vi giám sát: Điều tra 10 - 30 hộ gia đình/thôn, ưu tiên lựa chọn thôn có nguy cơ cao. Thời gian: Từ nay đến hết năm 2024. Số lượng: Mỗi xã/phường/thị trấn chọn 2 thôn để giám sát. Mỗi tuần chọn giám sát 1 xã/phường/thị trấn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng cường công tác giám sát chủ động về tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly và điều trị kịp thời. Tổ chức phun hóa chất xử lý ổ dịch SXHD triệt để ngay khi phát hiện khống chế kịp thời không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Chú trọng giám sát đánh giá chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng/bọ gậy tại các địa phương; tổ chức phun hóa chất diện rộng khi có yếu tố nguy cơ cao để ngăn chặn dịch bệnh. Trường hợp quá khả năng đáp ứng, báo cáo về Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có biện pháp hỗ trợ.

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các ban ngành, đoàn thể cùng các tổ cộng đồng phòng, chống dịch bệnh thường xuyên vãng gia các hộ gia đình cùng với người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy; yêu cầu mỗi hộ gia đình dành 10 phút mỗi ngày: Diệt triệt để lăng quăng/bọ gậy khu vực trong nhà và xung quanh hộ gia đình của mình; thu gom toàn bộ vật dụng chứa nước phế thải; lật úp vật dụng chưa nước không cần thiết; thường xuyên thau rửa kiểm tra diệt lăng quăng/bọ gậy các vật dụng chứa nước thường dùng, chậu cảnh...

Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; phòng, chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.

Phan Phượng

comment Bình luận