Hội thảo Phổ biến kết quả khảo sát “Khả năng áp dụng tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi tại Việt Nam”

Ngày 15/8, Hội Y học Dự phòng Việt Nam (VAPM) tổ chức hội thảo phổ biến kết quả khảo sát “Khả năng áp dụng tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi tại Việt Nam” cung cấp các thông tin về tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi. Qua đó nâng cao nhận thức về sử dụng vắc xin phòng bệnh cho mọi lứa tuổi, đưa ra nhiều lựa chọn và khả năng tiếp cận của người dân trong việc sử dụng vắc xin.
11:58 | 16/08/2024

Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển – Phó Chủ tịch thường trực Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, tiêm chủng là nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe con người. Thời gian qua, công tác tiêm chủng đã và đang phát huy hiệu quả cao trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella... tại Việt Nam cũng như toàn cầu.

Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam. GS.TS. Nguyễn Trần Hiển mong muốn thông qua hội thảo, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ các vấn đề liên quan để công tác tiêm chủng tại Việt Nam đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo (ảnh: Hải Phúc)

Toàn cảnh Hội thảo (ảnh: Hải Phúc)

Thông qua hội thảo, các đại biểu đã được nghe về kết quả khảo sát khả năng áp dụng tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật các nội dung về hiện trạng thị trường vắc xin; giá trị tiềm năng của tiêm chủng trọn đời cũng như tìm hiểu các rào cản đối với tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam… Để đánh giá hhả năng áp dụng tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi tại Việt Nam, VAPM đã tiến hành khảo sát 62 đơn vị liên quan tại Việt Nam bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, bệnh viện công/tư nhân, các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất, cung ứng vắc xin. Qua đó, kết quả cho thấy giá trị tiềm năng của tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam là rất lớn.

Cụ thể, về mặt dân số, tiêm chủng trọn đời sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, sống và làm việc hiệu quả hơn; giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong; tạo miễn dịch cộng đồng, xóa bỏ các căn bệnh nghiêm trọng; Giảm tình trạng kháng kháng sinh… Đối với nền kinh tế, tiêm chủng trọn đời sẽ giúp giảm chi phí ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh; dân số khỏe mạnh và năng suất hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia. Đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng trọn đời giúp hỗ trợ sự phát triển bền vững, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tiếp cận y tế và nâng cao chăm sóc sức khỏe cơ bản cho toàn dân.

VAPM nhận định sẽ có 5 yếu tố chính thúc đẩy chương trình tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam trong những năm tới, gồm: Tốc độ đô thị hóa tăng; dân số già hóa; chất lượng cuộc sống được cải thiện ở Việt Nam; chỉ tiêu dành cho y tế tăng và khả năng phục hồi của lực lượng lao động sau đại dịch. Trong đó, yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trọn đời chính là nhu cầu tiêm chủng ở Việt Nam đang ngày càng tăng do sự thay đổi của một số yếu tố nhân khẩu học như xu hướng già hóa và thu nhập tăng lên.

Cũng theo VAPM, để triển khai tiêm chủng trọn đời tại Việt Nam cần cải thiện cơ sở dữ liệu về tiêm chủng và tăng cường nhận thức về tiêm chủng thông qua giáo dục cộng đồng được kỳ vọng sẽ giúp người Việt Nam tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Ngoài ra, việc chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, cơ  chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứn và phát triển; và đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin ổn định cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiêm chủng trọn đời.

Mai Lê

comment Bình luận