Đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng, tỷ lệ ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới

Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng.
13:30 | 03/01/2024

Vừa qua, Bệnh viện Vũng Tàu đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân P.T.A (21 tuổi, ở Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng nói chuyện khó, cử động các chi bình thường, tỉnh táo, mạch, huyết áp bình thường. 

Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó 2 ngày, T.A bỏ ăn, không nói chuyện và nằm nhiều nên gia đình đưa nhập viện.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp MRI não phát hiện nhồi máu cấp nhân bèo – thùy đảo thái dương và 1 phần vỏ não thùy trán đính trái.

Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các bác sĩ đang theo dõi và cho dùng thuốc theo chỉ định.

Kết quả chụp MRI của bệnh nhân P.T.A  (Ảnh BVCC)

Kết quả chụp MRI của bệnh nhân P.T.A (Ảnh BVCC)

Một trường hợp khác, bệnh nhân T.H.H (16 tuổi, ở Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, phù não nặng.

Ông Khoa, bố của H. cho biết cháu thường xuyên tụ tập với bạn xấu, gia đình đã nhiều lần ngăn cấm nhưng không được.

“Cháu về nhà trong trạng thái bần thần, hỏi không trả lời. Sau đó kêu đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa đến bệnh viện”, ông Khoa kể.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân H. bị xuất huyết, phù não nặng. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân H. dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức là ma túy đá.

ThS.BS Trần Thiện Trường - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Tổ trưởng tổ Đột quỵ Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng có thể do chế độ ăn uống quá nhiều chất béo và đường, hay việc ít vận động, tập luyện…  cũng tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo BS Trường, 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được thông qua việc chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm. Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ bao gồm: Yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng…

Bác sĩ kiểm tra lại cho bệnh nhân (Ảnh BVCC)

Bác sĩ kiểm tra lại cho bệnh nhân (Ảnh BVCC)

Cũng theo BS Trường, nếu bệnh nhân được đưa tới cơ sở y tế cấp cứu trong khung “giờ vàng” thì tỷ lệ tử vong thấp, ít để lại di chứng sau điều trị.

“Khung giờ vàng trong đột quỵ thường được hiểu là thời gian để thực hiện tái thông cho các trường hợp nhồi máu não kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ. Thời gian vàng cho cấp cứu điều trị là nằm trong khoảng từ 3 - 4,5 tiếng kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện”, BS Trường thông tin.

BS Trường cho biết, khi đột quỵ xảy ra, việc can thiệp cấp cứu cần phải tận dụng sớm từng phút giây. Song hiện nay có đến khoảng 70% trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời trong khung “giờ vàng”. Trong đó, gần một nửa tử vong và số còn lại phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng.

BS Trường khuyến cáo, khi người bệnh xuất hiệu các dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không tự ý cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà; không thực hiện trói tay, chân hoặc sử dụng ngáng miệng người bệnh khi bị co giật; không cạo gió và đặc biệt không được dùng các biện pháp dân gian như chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao không được uống bất cứ thuốc gì, kể cả nước vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở.

“Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Khi người bệnh được đưa đến cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng”, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các kỹ thuật hiệu quả, hiện đại, gồm: Dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch (rTPA), can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ, phẫu thuật”, BS Trường nhấn mạnh.

Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15-49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ.

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Cao Ánh

comment Bình luận