Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 50 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng. Đột quỵ mang tới gánh nặng bệnh tật rất lớn đối với người bệnh, có khoảng 80% bệnh nhân có di chứng là khuyết tật nặng, đặc biệt là rối loạn vận động, 30% không thể phục hồi.
8:34 | 19/11/2023

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, đứng đầu về tỷ lệ tàn tật, mỗi năm đột quỵ gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và 5 triệu người tàn phế hoặc chịu những di chứng sau đột quỵ. Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến hơn 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 – 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

BS.CKI Hoàng Thị Thủy Tiên, khoa hồi sức tích cực – chống độc bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: “Trước đây, bệnh đột quỵ hầu như chỉ ghi nhận ở những người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay đã có không ít trường hợp bệnh nhân dưới 35 tuổi đã bị đột quỵ. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự trẻ hóa của các yếu tố nguy cơ như tình trạng xơ vữa mạch, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, đái tháo đường,… Bệnh đột quỵ rất nguy hiểm, gây tàn phế hoặc tử vong. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ bị xuất huyết não hoặc nhồi máu não khiến bệnh nhân hạn chế khả năng vận động, giao tiếp, thậm chí có thể nằm liệt giường”.

Cũng theo bác sĩ Thủy Tiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng mỡ máu và một số trường hợp bệnh nhân suy tim,… Khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu như đột ngột ngã quỵ, liệt nửa người, méo miệng, nuốt khó, nói khó, hôn mê,…

Những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 50 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng (ảnh minh họa)

Những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 50 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng (ảnh minh họa)

“Đột quỵ nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời thì người bệnh vẫn có thể hồi phục tốt vì thế nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng. Khi gặp trường hợp bị đột quỵ, người dân cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất. Không ít người dân khi thấy người thân đột quỵ đã tự ý sơ cứu không đúng cách, để bệnh nhân tại nhà quá lâu làm lỡ mất thời gian vàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Do đó, đối với các trường hợp bệnh nhân đột quỵ, khuyến cáo người dân cần đưa bệnh nhân nhập viện sớm nhất có thể”, bác sĩ Thủy Tiên lưu ý.

Hiện nay, tình trạng đột quỵ xảy ra ở người dưới 40 tuổi đang trở nên phổ biến. Đây là tình trạng hết sức báo động vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội. Do đó người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ bằng cách điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, thực hiện lối sống lành mạnh gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều chất béo có hại (thức ăn nhanh, các loại đồ nướng, bánh ngọt…), giảm ăn mặn (dưới 5 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); hạn chế uống rượu, bia; không hút thuốc lá, thuốc lào; tăng cường hoạt động thể lực với các bài tập phù hợp với sức khỏe, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc; tránh bị lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Mai Lê

comment Bình luận