Tầm quan trọng điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ
Tiếp cận phục hồi chức năng càng sớm càng tốt
BS.CKI Hồ Sâm Hoài - Khoa Nội, Bệnh Viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 3 đến 4 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được xem là "thời gian vàng” để cứu sống người bệnh. Sau thời gian đó, nếu bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế và một trong những biến chứng nặng nề nhất là liệt nửa người. Lúc này, người bệnh sẽ mất đi khả năng vận động, kèm theo rối loạn ngôn ngữ, thị giác, nhận thức,… khiến người bệnh trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình và xã hội.
Bệnh nhân đột quỵ thường gặp rất nhiều biến chứng, nhất là đối tượng có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,…mà không kiểm soát tốt. Khi đột quỵ xảy ra chỉ có khoảng 30% người bệnh có thể hồi phục, đi lại được sau điều trị. Do đó, PHCN sau đột quỵ được thực hiện càng sớm càng tốt thì khả năng hồi phục càng cao, giúp người bệnh sớm lấy lại chức năng vốn có, tái hòa nhập với cộng đồng.
Theo bác sĩ Hoài, mục đích của PHCN sau đột quỵ chính là hoàn trả lại một cách tối đa các chức năng đã bị giảm hay bị mất cho người bệnh hoặc tăng cường khả năng còn lại của bệnh nhân để họ có thể tái hòa nhập với cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ như bệnh nhân không xoay trở được thì tập phục hồi cho xoay trở được, chưa ngồi được thì tập cho ngồi, chưa đi được thì tập cho ngồi xe lăn, tập đi, tập nói, tập thay quần áo, vệ sinh cá nhân…và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra như loét do nằm lâu, teo cơ, cứng khớp, bán trật khớp vai, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các giai đoạn phục hồi sau đột quỵ não bao gồm: Giai đoạn cấp và tối cấp 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ., giai đoạn hồi phục sớm sau 24 giờ đầu đến 3 tháng đầu sau đột quỵ, giai đoạn phục hồi muộn từ 3 tháng đến 6 tháng, giai đoạn mãn tính sau 6 tháng.
Bệnh nhân cần được tập PHCN càng sớm càng tốt ngay sau khi các chỉ số sinh hiệu như mạch, huyết áp ổn định, thường là 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ là có thể bắt đầu tập PHCN. Giai đoạn tốt nhất cho sự phục hồi là 3 tháng đầu sau đột quỵ, ở giai đoạn này bệnh nhân có thể tiến triển tốt hơn mỗi ngày, mỗi tuần, sau 6 tháng trở đi thì quá trình phục hồi chậm lại hơn rất nhiều và dần ổn định.
Mỗi bệnh nhân sẽ có các bài tập khác nhau
Bác sĩ Hoài cho biết, để tập PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ cần có sự phối hợp đa chuyên ngành: Vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, dụng cụ trợ giúp…Vận động trị liệu là vận động để phục hồi lại tầm vận động của bệnh nhân. Hoạt động trị liệu sẽ giúp bệnh nhân thực hiện được các chức năng cơ bản sinh hoạt hằng ngày như ăn, mặc, tắm, vệ sinh cá nhân, di chuyển, kỹ thuật này sẽ giúp bệnh nhân đạt được sự độc lập tối đa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Vật lý trị liệu là sử dụng một số máy móc để tăng hiệu quả phục hồi như: Lazer công suất thấp nội mạch, từ trường, điện xung… Âm ngữ trị liệu khi bệnh nhân có rối loạn về ngôn ngữ, phát âm…
Bà Đinh Thị Ngọc Thanh sinh sống tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa cho biết, 7 năm nay bà đều đặn đến bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để tập vận động, vật lý trị liệu với mong muốn sức khỏe dần hồi phục sau khi bị đột quỵ. Từng là người bị yếu liệt tay chân, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người nhà, nhưng với thời gian dài kiên trì tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên PHCN, đến nay sức khỏe của bà đã hồi phục dần và có thể độc lập làm mọi việc.
“Lúc mới bị đột quỵ tôi rất khổ sở, không ăn được, đi lại cũng khó khăn, phải đi bằng nạng. Nhưng sau một thời gian tập PHCN, tôi đã đi được và tự vệ sinh cá nhân, làm các việc nhẹ trong nhà. Nhờ tập PHCN mà tôi mạnh mẽ và sống vui hơn” - bà Thanh chia sẻ.
Từng 2 lần bị đột quỵ, bà Phan Thị Linh Trúc bị liệt nửa người bên trái, vận động khó khăn nên khiến bà mệt mỏi, không ăn, không ngủ được. Thời gian đầu, bà có đi bấm huyệt, châm cứu, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện nhiều. 4 năm nay, bà đến bệnh viện tập vật lý trị liệu, PHCN mới thấy sức khỏe hồi phục đáng kể.
Chị Tạ Xuân Uyên, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà có các bài tập khác nhau. Theo đó, bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên tập và có các dụng cụ hỗ trợ ngoài hoạt động trị liệu, máy móc như chạy lazer nội mạch, xoa bóp…giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Đa số bệnh nhân tai biến đến đây thường yếu liệt nửa người, ngồi xe lăn nhưng sau một thời gian tập luyện thì có thể tự làm, tự đi được, không phụ thuộc người khác.
Cũng theo bác sĩ Hoài, bệnh nhân không nên tự tập PHCN tại nhà khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ, kĩ thuật viên PHCN vì tình trạng của mỗi bệnh nhân không giống nhau, nếu bệnh nhân tự tập khi lực tập không đủ hay tập các bài tập không phù hợp theo từng giai đoạn bệnh hoặc được điều trị tại nhà bởi các y bác sĩ chưa đủ chuyên môn sẽ làm chậm trễ thời gian vàng phục hồi cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sau một thời gian tự điều trị PHCN tại nhà quay trở lại bệnh viện tái khám thì đã trong tình trạng yếu, liệt nhiều, teo cơ, cứng khớp, cơ không có lực, dáng đi xấu...lúc đó phục hồi sẽ càng khó khăn hơn.
Vì vậy, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ, kỹ thuật viên PHCN thăm khám, tư vấn và cho chỉ định tập PHCN tối ưu nhất. Bệnh nhân sau đột quỵ có thể phục hồi hoàn toàn hay một phần chức năng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với các bài tập vận động, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu PHCN sẽ giúp người bệnh lấy lại sự linh hoạt, tăng sức mạnh của cơ bắp và thực hiện được các chức năng cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc huyết áp, tiểu đường hoặc tự uống các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc sẽ dễ làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ.
Hoàn Lê
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm