Đồng Nai: Điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng y học cổ truyền

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh lý phổ biến đứng đầu trong số các bệnh của dây thần kinh mặt. Dây thần kinh số 7 là dây thần kinh vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt.
10:05 | 03/10/2023

Ai cũng có thể mắc bệnh

Anh N.V.H, 26 tuổi, tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hoà đang điều trị nội trú tại bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cho biết, giữa năm 2022, nửa khuôn mặt của anh bị liệt, mắt không nhắm được, miệng bị méo. Sau khi đi thăm khám, anh được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Anh H. đã đi điều trị tại một số cơ sở y tế, nhưng sau đó đã tạm ngưng. Tháng 8/2023, tình trạng bệnh nặng hơn, anh nhập viện bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh để điều trị. Sau 3 tuần điều trị, miệng của anh đã bớt méo, mắt đã nhắm được, tình trạng bệnh được cải thiện hơn 80%.

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Thu Trang, phụ trách khoa nội – bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh cho biết: “Anh H. là một trong những bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bị di chứng nặng do gián đoạn trong quá trình điều trị. Trong thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó tập trung ở lứa tuổi khá trẻ là nam thanh niên từ 30 - 40 tuổi”.

BS.CKI Nguyễn Thị Thu Trang thực hiện phương pháp cấy chỉ điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cho bệnh nhân

BS.CKI Nguyễn Thị Thu Trang thực hiện phương pháp cấy chỉ điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cho bệnh nhân

Trong y học cổ truyền, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có tên gọi là "khẩu nhãn oa tà". Bệnh do những nhóm nguyên nhân sau: Thể phong hàn: bệnh xuất hiện sau khi gặp mưa, gió lạnh hoặc sáng sớm thức dậy sợ lạnh, thường do nhiễm lạnh; Thể phong nhiệt: Sốt, sợ gió, rêu lưỡi trắng dày, thường do nhiễm khuẩn (viêm tai giữa, zona tai, vùng mặt). Thể huyết ứ: Đau nhức ở mặt, hàm hoặc sau tai bên bệnh, thường do di chứng sau chấn thương (té ngã, sau mổ vùng chũm, hàm…). Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng, tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng cách.

Bệnh thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng từ yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày; chảy nước dãi bên mặt bị bệnh, thức ăn giắt vào kẽ răng và má; tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai; đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh; giảm vị giác ở trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt; mắt nhắm không kín, chảy nước mắt.

Điều trị bằng y học cổ truyền tỉ có lệ khỏi bệnh cao

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên ở giai đoạn đầu không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới hình thái khuôn mặt, khả năng ăn nhai và người bệnh có thể khó khăn trong nhắm, mở mắt. Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, bệnh sẽ ngày nặng, gây nguy hiểm và khó điều trị khỏi hơn. Hiện nay, các phương pháp của y học cổ truyền có tỉ lệ chữa khỏi bệnh hơn 90% sau 3 - 4 tuần.

“Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bên cạnh những phương pháp điều trị bằng y học hiện đại như sử dụng nhóm thuốc corticoid, vitamin B liều cao, tăng dẫn truyền thần kinh,… người bệnh sẽ được trị liệu kết hợp bằng các phương pháp cấy chỉ, điện châm, cứu ngải, xoa bóp - bấm huyệt, thủy châm và uống thuốc sắc. Sau khi xác định tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh để áp dụng các biện pháp phù hợp, bởi hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ở giai đoạn đầu đều có thể chữa trị bằng vật lý trị liệu kết hợp với một số loại thuốc khác mà không cần can thiệp ngoại khoa” - BS.CKI Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Kết hợp phương pháp châm cứu điều trị cho bệnh nhân là trẻ nhỏ

Kết hợp phương pháp châm cứu điều trị cho bệnh nhân là trẻ nhỏ

Để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7, BS.CKI Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo, người dân cần duy trì thói quen vận động vừa sức, tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông máu, chống sự co cứng cơ mặt và tránh ăn đồ cay nóng. Khi nằm ngủ tránh luồng gió của quạt, máy lạnh phả trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Tránh những trường hợp bị sốc nhiệt như ngồi ở phòng lạnh, đột ngột bước ra ngoài trời nóng. Đóng kín cửa xe khi đi xe, đeo khẩu trang tránh gió tạt vào mặt. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị sớm các bệnh dễ gây liệt dây thần kinh số 7 như cảm cúm, bệnh về tai mũi họng.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu đau, tê giảm cảm giác một nửa bên mặt, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu bị bệnh, phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Mai Liên

 
comment Bình luận