Cứu sống bé gái dư cân bị sốc sốt xuất huyết nặng
Bệnh nhi là bé gái H.N.G.H, 10 tuổi, trú huyện Bình Chánh, có cân nặng 50 kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình (30 - 32 kg) ở lứa tuổi này. Trước khi nhập viện, bé H có biểu hiện sốt cao liên tục trong hai ngày. Đến ngày thứ ba, bé bắt đầu đau bụng, nôn ra dịch nâu bất thường, tay chân lạnh. Gia đình lập tức đưa bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch yếu, huyết áp tụt (80/70 mmHg). Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 3 và được điều trị chống sốc tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi tiếp tục diễn tiến xấu với biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và tổn thương gan nặng. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, kèm theo rối loạn đông máu, suy hô hấp nặng, tổn thương gan và xuất huyết tiêu hóa. Các y bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực, truyền dịch cao phân tử (dextran 40 10%), albumin 10%, sử dụng thuốc vận mạch, theo dõi huyết động chặt chẽ bằng các thiết bị chuyên sâu như đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung ương và áp lực bàng quang.

Bệnh nhi H.N.G.H được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan.
Sau gần 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã vượt qua giai đoạn nguy kịch, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan và thận hồi phục hoàn toàn.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể diễn biến nặng nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ em béo phì – đối tượng dễ gặp biến chứng như suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo sau: Sốt cao trên 2 ngày kèm theo bứt rứt, li bì, đau bụng, ói, tay chân lạnh, chảy máu cam, ói ra máu hoặc tiêu phân đen; trẻ lừ đừ, bỏ ăn, bỏ bú hoặc nằm một chỗ không chơi.
Để phòng ngừa, cần thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng, vệ sinh môi trường sống. Ngoài ra, vaccine ngừa sốt xuất huyết hiện đã có sẵn cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị phụ huynh nên chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, tránh để trẻ dư cân, béo phì – yếu tố nguy cơ khiến quá trình điều trị các bệnh lý, trong đó có sốt xuất huyết, trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn.
Ngọc Nguyễn

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Long An: Ưu tiên nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em
UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2025 với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6 trên phạm vi toàn tỉnh.May 20 at 2:11 pm -
TP. HCM phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2025
UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2025, với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6/2025. Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được tổ chức trên toàn thành phố.May 18 at 9:13 am -
Vệ sinh "cậu nhỏ" mỗi ngày: Biện pháp đơn giản phòng tránh bệnh lý nam khoa
Vệ sinh bộ phận sinh dục nam không chỉ là thói quen cá nhân mà còn là bước chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều nam giới vẫn lơ là với việc này, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, rối loạn chức năng sinh lý và cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.May 17 at 6:54 pm -
Việt Nam quyết tâm bảo vệ thế hệ trẻ trước mối nguy hại từ thuốc lá mới
Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được quảng bá rầm rộ như những sản phẩm “ít hại” và là giải pháp thay thế cho người nghiện thuốc lá điếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các sản phẩm này đang nhắm tới một lượng lớn người chưa từng hút thuốc, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.May 17 at 4:44 pm