Chú trọng chăm sóc sức khỏe khi mang thai để quá trình sinh con an toàn, khỏe mạnh

Trong mỗi lần mang thai và sinh nở, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ liên quan tới những tai biến đột ngột và khó lường trước. Những tai biến này có thể dẫn tới thương tật, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai là vấn đề đặc biệt quan trọng.
14:35 | 11/11/2023

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhiều phụ nữ vẫn còn chủ quan hoặc chưa biết tự chăm sóc bản thân mỗi khi thai nghén và sinh nở, phần lớn do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy, tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và tai biến sản khoa vẫn còn xảy ra.

BS.CK II Trần Ngọc Thắng – Phó Trưởng khoa sản, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: “Khi mang thai, việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ là vô cùng quan trọng, việc khám thai và quản lý thai sẽ cũng cấp cho bà mẹ mang thai kiến thức tự chăm sóc cho mình và cho thai nhi, theo dõi tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để sớm phát hiện những bệnh lý và có biện pháp can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất tai biến sản khoa”.

Để chăm sóc và quản lý thai kỳ tốt, BS.CK II Trần Ngọc Thắng hướng dẫn cụ thể như sau: Khi biết mình có thai, bà mẹ cần đi khám thai sớm và đặt cho mình lịch khám thai tại cơ sở y tế hoặc phòng khám đáng tin cậy. Từ khi mang thai đến khi sinh bà mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 kỳ thai nghén, đó là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu có điều kiện nên đi khám thai nhiều hơn, 4 tuần một lần cho đến tuần 28 của thai kỳ, sau đó 2 tuần một lần cho đến 36 tuần và mỗi tuần cho đến lúc sinh.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe khi mang thai để quá trình sinh con an toàn, khỏe mạnh (ảnh: Đình Thi)

Chú trọng chăm sóc sức khỏe khi mang thai để quá trình sinh con an toàn, khỏe mạnh (ảnh: Đình Thi)

Việc khám thai phải được thực hiện bởi cán bộ y tế có đào tạo chuyên môn về sản khoa. Những lần khám thai giúp cho bà mẹ biết thai nhi có phát triển bình thường hay không, phát hiện người mẹ có bệnh gì hoặc có khó khăn, bất thường cần được xử trí kịp thời để tránh các tai biến, biến chứng. Khám thai giúp tiên lượng cuộc sinh thường hay cần có can thiệp đặc biệt giúp cho bà mẹ chọn lựa nơi sinh thích hợp, nếu được dự báo là cuộc sinh khó bà mẹ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn sinh ở một cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu.

Trong những lần khám thai bà mẹ được theo dõi huyết áp, theo dõi cân nặng, đánh giá tình trạng thiếu máu, cho uống viên sắt phòng ngừa thiếu máu, xem có phù hay không và được tiêm phòng uốn ván đủ liều. Bình thường trong thời gian mang thai cân nặng bà mẹ tăng từ 10 - 12kg.

Về bổ sung dinh dưỡng, bà mẹ mang thai cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng không những cho bản thân mà còn là sự phát triển cho thai nhi, rau thai, khối lượng máu trong cơ thể mẹ và tăng dự trữ mỡ cho tạo sữa sau này. Ngược lại, nếu thai phụ không chú trọng bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho cơ thể, trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và để lại biến chứng cho thai phụ, như tăng nguy cơ nhiễm bệnh, thiếu máu, hay ốm yếu và giảm hoạt động; tăng nguy cơ thai chết lưu, tăng nguy cơ đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ…Vì thế, đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là thời kỳ thai 3 tháng cuối.

Theo bảng nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về năng lượng hàng ngày cho thai phụ như sau: Thai 3 tháng cuối cần bổ sung 450 kcal/bữa ăn, tương đương thêm 1 bát cơm đầy và thức ăn kèm theo mỗi ngày. Ngoài cơm ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết, cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau có màu xanh đậm. Đây là những thức ăn giá rẻ hơn thịt, có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu.

Ngoài ra, cần ăn đủ chất đạm động vật, các loại thuỷ sản như tôm, cua, cá, ốc,... nên có thêm thịt, trứng, sữa... Ngoài ra, người mẹ cũng cần phải bổ sung các chất khoáng, canxi, sắt, acid folic, vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Acid folic tham gia tạo máu cũng là những chất cần thiết trong quá trình phát triển của thai. Vitamin C và acid folic có nhiều trong các quả chín, rau xanh. Tuyệt đối không uống rượu, bia, chè đặc, cà phê, không hút thuốc lá, hạn chế dùng gia vị cay, nóng, như tiêu, tỏi, ớt, gừng. Không tự ý mua thuốc uống khi bị cảm hoặc sốt mà phải có chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bà mẹ mang thai cần làm việc nhẹ nhàng, tránh xúc động, giữ tinh thần luôn được thoải mái, tắm rửa thường xuyên để giữ thân thể sạch sẽ.

Trong quá trình mang thai, nếu có một trong các dấu hiệu nguy hiểm như ra máu từ cửa mình hoặc đau bụng, phù mặt, chân tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều, xanh xao, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở, ra nước ối mà không có cơn đau đẻ, có cơn ngất hoặc co giật, thấy cử động thai yếu hơn và ít đi so với mọi ngày, sút cân hoặc không tăng cân sau tháng thứ 4, đến ngày dự kiến sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì cần đưa bà mẹ đến ngay cơ sở y tế.

Mỹ Hạnh

comment Bình luận