Cảnh giác với xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Tỉ lệ mắc bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ trai được báo cáo là khoảng 1:3.000 - 1:4.000. Tuy nhiên, tỷ lệ bảo tồn tinh hoàn bị xoắn khá thấp do đa số các trường hượp được chẩn đoán muộn. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên có những hiểu biết cơ bản về bệnh để có thể phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm.
12:36 | 21/03/2025

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn xoay quanh trục của nó dẫn đến xoắn mạch máu, ngăn cản nguồn cấp máu cho tinh hoàn gây nên hoại tử hoặc teo tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhiều nhất là tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì.

Xoắn tinh hoàn là tình trạng cần phải phẫu thuật cấp cứu. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm tinh hoàn bị xoắn có thể hoại tử và phải cắt bỏ.

Những dấu hiệu nghi ngờ xoắn tinh hoàn

Trẻ đau vùng bìu (thường gặp nhất là cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội, tuy nhiên không ít trường hợp đau khởi phát mơ hồ), đau vùng bìu có thể kèm theo đau bụng, bẹn cùng bên.

Cơn đau dữ dội và xảy ra đột ngột, tăng dần và không dừng, đặc biệt cơn đau khởi phát từ ban đêm đến sáng sớm là gợi ý quý giá cho chẩn đoán.

Da bìu sưng tấy đỏ.

Trẻ đau nhiều hơn khi chạm vào bất kỳ vị trí nào của tinh hoàn.

image-20250319085417-1

Điều trị xoắn tinh hoàn              

Khi đã chẩn đoán xoắn tinh hoàn hoặc nghi ngờ xoắn tinh hoàn cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu tinh hoàn vẫn còn khả năng bảo tồn thì tháo xoắn cố định, nếu tinh hoàn đã hoại tử, không phục hồi được thì phải cắt bỏ tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cần phẫu thuật khẩn cấp, phẫu thuật càng muộn thì nguy cơ tinh hoàn bị hoại tử và phải cắt bỏ càng cao. Thời gian vàng để cứu lấy tinh hoàn tốt nhất là 6 giờ.

Theo các nghiên cứu: Phẫu thuật trước 6 giờ có khả năng cứu sống tinh hoàn 100%, từ 6 đến 12 giờ là 70%, từ 12 đến 24 giờ chỉ còn 20%. Sau 24 giờ tỉ lệ sống của tinh hoàn càng thấp hơn nữa

Cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn ở trẻ

Khi trẻ than đau ở vùng bìu hoặc bụng dưới, hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu nghi ngờ xoắn tinh hoàn. Thời gian là yếu tố quyết định trong việc cứu sống tinh hoàn.

Chú ý sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì, đây là 2 nhóm tuổi có nguy cơ cao xoắn tinh hoàn. Với lứa tuổi thanh thiếu niên, phụ huynh cần nói chuyện để con trai mình hiểu vấn đề và thông báo với người thân ngay khi bị đau hay sưng vùng bìu.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sưng, đau vùng bìu, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại các tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại nhi càng sớm càng tốt.

Không phải bất cứ trường hợp nào trẻ trai bị đau vùng bìu cũng đều là xoắn tinh hoàn, những bệnh lý khác cũng có khả năng gây đau vùng bìu như: Xoắn phần phụ tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, u tinh hoàn, chấn thương vùng bìu... Tuy nhiên, nếu phát hiện và xử lý sớm có thể cứu được tinh hoàn.

BS.CKII Nguyễn Phi Phong

comment Bình luận