Cảnh báo về bệnh dại: Mèo cắn cũng nguy hiểm như chó cắn

Hiện nay, nhiều người vẫn còn chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, đặc biệt là các vết thương từ mèo. Điều này dẫn đến không ít trường hợp tử vong thương tâm do bệnh dại.
16:16 | 07/05/2025

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ động vật sang người qua vết cắn, cào xước hoặc nước bọt từ chó, mèo mang mầm bệnh. Khi virus dại đã xâm nhập hệ thần kinh và phát bệnh, người nhiễm gần như không còn cơ hội sống sót. Nhiều ca tử vong xảy ra do người dân không tiêm vắc xin kịp thời sau khi bị chó, mèo cắn, hoặc chủ quan tự điều trị bằng thuốc Nam.

Không chỉ chó, mà cả mèo cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh dại. Đặc biệt, các vết cào xước cũng là đường lây truyền nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả

Mặc dù chưa có thuốc đặc trị, nhưng bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành thú y.

Không chọc phá, đùa giỡn với chó, mèo, nhất là khi chúng có dấu hiệu bất thường.

Hạn chế tiếp xúc, buôn bán và giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 15 phút, sát trùng bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn, không băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và/hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không tự ý điều trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Bệnh dại là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa để bảo vệ chính mình, gia đình và xây dựng một xã hội an toàn, khỏe mạnh hơn.

Hồ Ninh

comment Bình luận