Cẩn thận nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chân là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra.
7:30 | 01/04/2024

Có khoảng 73% nữ giới và 56% nam giới bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn, nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén gây chèn ép cản trở máu tĩnh mạch. Một số ngành nghề, công việc như bán hàng, thợ may, nhân viên thu ngân, giáo viên… đòi hỏi phải đứng lâu có tỷ lệ người mắc bệnh cao hơn. Người béo phì, ít vận động hoặc làm việc mang vác nặng… cũng dễ bị giãn tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới có thể biểu hiện dưới nhiều hình thái, mức độ khác nhau. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua như người bệnh có cảm giác nặng chân, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường, chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… hoặc có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện. Các biểu hiện trên có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, các tĩnh mạch giãn chưa nhiều. Những trường hợp nặng gây giảm tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn, gây ảnh hưởng đến thẩm mĩ, chức năng và giảm chất lượng cuộc sống, lao động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bình thường, máu tĩnh mạch từ chân chảy về tim theo một chiều từ dưới đi lên (ngược với chiều trọng lực khi ở tư thế đứng) là nhờ hệ thống van tĩnh mạch, lực ép của khối cơ cẳng chân, lực hút được tạo ra do hoạt động của tim và lồng ngực.

Để dự phòng và hạn chế tiến triển của bệnh, BS.CKI Nguyễn Thị Kim Chi - khoa khám nội, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khuyến cáo, suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường là bệnh mạn tính, cần phối hợp nhiều biện pháp gồm thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, gác chân cao khi nằm nghỉ ngơi, ăn nhiều rau xanh, hoa quả nhất là những thực phẩm giàu vitamin C giúp cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển bệnh, tập một số bài tập tăng cường sức bền hệ tĩnh mạch. Giảm cân, đeo vớ áp lực y khoa. Sử dụng một số thuốc hỗ trợ tăng cường sức bền hệ tĩnh mạch như Rutin C, các Flavonoid, Daflon…

Các biện pháp điều trị can thiệp xâm lấn bao gồm phẫu thuật Stripping, tiêm xơ bằng hóa chất, tiểu phẫu gỡ bỏ các tĩnh mạch dạng lưới (phẫu thuật Muller), can thiệp nội mạch gồm dùng sóng cao tần (Radio ), dùng tia Laser, keo sinh học. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chọn phương pháp phù hợp, giúp bệnh ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Hồng Vân

comment Bình luận