Cà Mau: Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp hơn so với cùng kì. Theo thống kê của cơ quan chức năng, thiên tai làm sập 50 căn nhà và hư hỏng, tốc mái 62 căn nhà. Có 81 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2,1 km, gây thiệt hại 531m lộ bê tông, 2 cống xổ vuông, 1 cây cầu bê tông, 1 giếng khoan nước, ngã đổ 6 trụ điện và 4 cây xanh. Mưa lớn gây ngập úng gần 615 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn phát triển. Ngoài ra, hạn hán mùa khô năm 2023 - 2024 làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí, với tổng chiều dài hơn 19 km. Trong đó, gần 14,7 km lộ bê tông và hơn 4,3 km lộ đất đen. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 35,3 tỉ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại và khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra. Huy động nguồn lực, tập trung xử lý các vấn đề cấp bách trong và sau thiên tai. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp nguời dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Thế Châu - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tình trạng mưa kéo dài gây ngập úng những ngày qua đã làm thiệt hại gần 615 ha lúa hè thu của 485 hộ. Trong đó, gần 290 ha thiệt hại trên 70%. UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người dân nhổ lúa ở những nơi dày để dặm lại phần diện tích lúa bị thiệt hại. Đối với diện tích lúa bị thiệt hại không thể khắc phục được thì chuyển sang trồng các loại rau màu có đặc tính sinh trưởng thích nghi ở nơi có điều kiện ngập nước. Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ vật tư chằng chống nhà ở, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có dông lốc. Đối với các vị trí sạt lở, sụt lún trong mùa khô, UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục được 48 tuyến, 199 vị trí sạt lở, sụt lún, với chiều dài hơn 4,7 km và tiếp tục bố trí ngân sách khắc phục 13 tuyến, 76 vị trí, chiều dài hơn 2,8 km, nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống Nhân dân”.
Mưa lớn kèm theo dông, lốc xoáy đã làm sập, tốc mái 30 căn nhà trên địa bàn các xã Khánh Tiến và Khánh Hòa, huyện U Minh. Chủ tịch UBND huyện U Minh Huỳnh Minh Nguyên, cho biết: “Đối với các hộ có nhà bị thiệt hại do dông lốc, UBND huyện đã chủ động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí và nhu yếu phẩm. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, đồn biên phòng huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, xây cất, sửa chữa nhà ở để sớm ổn định cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND huyện U Minh trong khắc phục hậu quả do thiên tai trên địa huyện. Trong đợt mưa lớn, dông lốc vừa qua, huyện đã thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo tình hình. Huy động kịp thời lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng ở địa phương tham gia khắc phục hậu quả. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong thực hiện, đảm bảo khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định tình hình. Hình thành đội phản ứng nhanh tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đề nghị các huyện, TP. Cà Mau, nhất là các địa bàn ven biển quan tâm, nhân rộng cách làm của huyện U Minh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sạt lở đất đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của 25 hộ dân, thiệt hại về tài sản gần 1,8 tỉ đồng. Riêng trong tháng 7, sạt lở đất đã gây ảnh hưởng đến 22 hộ trên địa bàn các xã Tam Giang Tây, Viên An, Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ khoảng 54 triệu đồng để các hộ dân khắc phục hậu quả”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ, cho biết: “Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Cà Mau vừa đã xây dựng 5 phương án ứng phó dựa trên đặc điểm của những loại thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, quy định trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện. Ngoài ra, mỗi huyện, mỗi xã phải xây dựng thêm phương án phòng chống cụ thể, đảm bảo phù hợp nhằm ứng phó hiệu quả với loại hình thường xuyên xảy ra. Đối với mưa lớn, dông, lốc xoáy, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Trường hợp thiên tai gây thiệt hại về mùa màng, các địa phương phải chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp hỗ trợ và khôi phục sản xuất cho người dân”.
Để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Đài khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, thông báo đến các cơ quan chức năng và người dân để chủ động triển khai phương án ứng phó. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng neo đậu tàu thuyền tránh, trú an toàn. Đảm bảo an toàn đối với lồng bè nuôi thủy sản tại các khu vực ven biển, đảo. Rà soát, trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh có phương án phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự và giúp người dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, mỗi người, mỗi nhà cần nêu cao ý thức phòng, chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết, diễn biến thiên tai, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương. Chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước… nhằm tránh thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, hoa màu. Chủ động di dời tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản. Qua đó, góp phần cùng với các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong thời gian tới.
Mỹ Trân
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am