Bệnh nhân HIV/AIDS cần đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống

Đối với các bệnh nhân HIV/AIDS khi mắc bệnh sẽ gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch khiến sức khỏe của bệnh nhân giảm sút gây tổn hại cho cơ thể thời gian dài. Do đó, bệnh nhân HIV/AIDS cần chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
15:48 | 10/11/2023

Theo báo cáo của khoa phòng, chống HIV/AIDS trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tình hình bệnh nhân mắc HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng những người đồng tính luyến ái (LGBT), trong đó chủ yếu quan hệ đồng giới nam. Tính đến nay toàn tỉnh đang điều trị cho 763 bệnh nhân tại khoa phòng, chống HIV/AIDS trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Hầu hết các bệnh nhân được tiếp cận sớm với ARV đều khoẻ mạnh và làm việc bình thường, sau khi điều trị ARV được 6 tháng tải lượng virus được ức chế hoàn toàn dưới ngưỡng phát hiện.

Bác sĩ khoa phòng chống HIV/AIDS trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tư vấn cho bệnh nhân mắc HIV về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (ảnh: Quang Nhật)

Bác sĩ khoa phòng chống HIV/AIDS trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tư vấn cho bệnh nhân mắc HIV về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (ảnh: Quang Nhật)

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Vinh - Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, khi mắc HIV/AIDS bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều vấn đề về sức khoẻ nếu không tiếp cận sớm với ARV. Sau khi virus HIV vào máu sẽ tấn công vào hệ thống tế bào miễn dịch TCD4  khiến cho cơ thể bị suy giảm miễn dịch và làm cho bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao phổi, lao hạch, lao màng não, lao ruột, nấm miệng, nấm thực quản, nấm não, viêm phổi do nhiễm nấm pneumocystis (PCP),… và rất nhiều vi khuẩn khác có cơ hội xâm nhập vào người bệnh làm cho bệnh nhân suy kiệt và tử vong.

Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, người bệnh HIV đã có thể sống, sinh hoạt như người bình thường bằng thuốc kháng virus ARV và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vinh, thuốc ARV có khả năng giúp ngăn chặn virus tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch nhưng chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng để tăng cường hệ thống miễn dịch của các bệnh nhân. Những người nhiễm HIV/AIDS, có một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Đối với các bệnh nhân mắc HIV, HIV sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong đó nặng nề nhất là hệ tiêu hoá, bệnh nhân sẽ chán ăn do nấm miệng, nấm thực quản, ăn vào sẽ bị đau và khó tiêu khiến bệnh nhân không muốn ăn kèm theo kém hấp thu các chất dinh dưỡng, dần dần trở thành suy dinh dưỡng, suy mòn, rồi đến suy kiệt. Do đó, cần hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân HIV trong quá trình điều trị và hướng dẫn tại cộng đồng.

Để bổ sung dinh dưỡng đúng cách, bác sĩ Vinh khuyến cáo người bệnh HIV/AIDS cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống. Cụ thể, cần chọn nguồn protein nạc, chọn những thực phẩm lành mạnh như thịt bò nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu và các loại hạt. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, ăn chất béo lành mạnh ở mức vừa phải. Các lựa chọn tốt cho tim mạch bao gồm các loại hạt, dầu thực vật và quả bơ, có thể chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Các bệnh nhân cũng cần hạn chế đồ ngọt, nước ngọt và thức ăn có thêm đường, hạn chế muối và nên uống nhiều nước, đảm bảo uống ít nhất 8 đến 10 cốc nước hoặc các thức uống lành mạnh khác mỗi ngày.

Nhìn chung người nhiễm HIV sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Việc thiếu dinh dưỡng sẽ làm gia tăng sự nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội và tăng mức độ tiến triển sang AIDS tạo nên vòng xoắn giữa dinh dưỡng kém và nhiễm trùng ở người nhiễm HIV. Do đó, các bệnh nhân HIV/AIDS cần phải tăng cường dinh dưỡng. Đây là một trong những biện pháp giúp tăng cường chất lượng sống của bản thân các bệnh nhân trong cộng đồng.

Mai Lê

comment Bình luận