Đồng Nai hỗ trợ giải quyết các khó khăn trong triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Chiều 19/9, trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (trung tâm LIFE) và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức giao ban chia sẻ kết quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai đến ngày 31/8.
16:22 | 20/09/2023

Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai có khoảng 6.600 người nhiễm HIV; dịch HIV tại tỉnh đang ở giai đoạn dịch tập trung. Trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Kết quả thực hiện mục tiêu 95-95-95, ở mục tiêu thứ nhất số người nhiễm biết tình trạng của mình đạt 95,7%, mục tiêu số bệnh nhân đang điều trị ARV đạt 88,9% và mục tiêu số bệnh nhân khống chế tải lượng vi rút dưới ngưỡng 1000 bản sao/ml máu đạt 98,6%.

Hiện nay, Trung tâm LIFE đang thực hiện 2 dự án lớn tại tỉnh bao gồm dự án Vusta (thuộc dự án quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng phòng chống HIV/AIDS. Tiếp đó là dự án Ladder với mục đích hỗ trợ địa phương phát triển, cung cấp dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe hiệu quả, thích ứng, bền vững.

BS.CKI Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai báo cáo tại hội nghị giao ban

BS.CKI Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai báo cáo tại hội nghị giao ban

Trong thời gian qua, trung tâm LIFE đã hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội tại Đồng Nai thực hiện một số mô hình sáng tạo như Safe UNI (truyền thông cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên) và Safe Zone (truyền thông, cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cho công nhân). Bên cạnh đó, trung tâm LIFE còn tổ chức nhiều đợt giám sát hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn như xét nghiệm HIV tại cộng đồng, kỹ năng khai vấn, đấu thầu, kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quản lý hành chính nhân sự.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn có một số khó khăn nhất định như các phòng khám OPC vẫn yêu cầu hộ khẩu/tạm trú khi khách hàng kết nối điều trị ARV/PrEP; nguồn thuốc ARV miễn phí dần hết, nguồn thuốc ARV thông qua BHYT không đủ dẫn đến việc khách hàng chưa có BHYT không thể đưa vào điều trị.

Từ những khó khăn đó, trung tâm LIFE khuyến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ giải quyết các khó khăn liên quan đến hộ khẩu, tạm trú; xem xét lại quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm cho khách hàng; CDC và cơ sở y tế xem xét có cơ chế nhằm đảm bảo đủ nguồn thuốc ARV.

Mai Liên

comment Bình luận