Bệnh gout có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa

Trước đây, bệnh gout được coi là bệnh già, thường xảy ra ở độ tuổi 40 - 50 nhưng hiện bệnh ngày càng trẻ hóa khi xuất hiện nhiều ở độ tuổi 25 - 35.
9:45 | 17/10/2023

Có biểu hiện sưng nóng đỏ đau khớp ngón chân phải, anh N.T.T (30 tuổi, ngụ TP.HCM) nghĩ mình bị đau do công việc phải đứng nhiều nên quyết định nghỉ ngơi ở nhà 2 ngày. 

Đến ngày thứ 3, chân sưng và đau hơn, anh đến bệnh viện khám, được bác sỹ chẩn đoán theo dõi gout, chỉ định làm xét nghiệm định lượng acid uric trong máu, cho kết quả 578 micromol/l.

Bệnh gout có xu hướng trẻ hóa (ảnh minh họa: Sở Y tế TP. HCM)

Bệnh gout có xu hướng trẻ hóa (ảnh minh họa: Sở Y tế TP. HCM)

Tương tự, anh N.H.V (29 tuổi, ngụ Long An) cũng có biểu hiện đau nhức. Nghĩ do chơi thể thao bị chấn thương nên anh V. quyết định đến bệnh viện chụp X-quang. Kết quả chụp X-quang chân anh V. hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu tổn thương. Bác sỹ chỉ định làm xét nghiệm, định lượng acid uric trong máu, cho kết quả 612 micromol/l.

BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM, cho biết, đối với 2 bệnh nhân trên, chỉ số acid uric trong máu rất cao. Bình thường lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/l với nam) và dưới 6.0 mg/dl (360 micromol/l với nữ).

Theo BS Mạnh Hà, bệnh gout là một loại viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể acid uric trong các khớp và các mô xung quanh.

Bệnh gout có thể gây ra các triệu chứng như sưng đỏ, nóng, đau nhức ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái. Bệnh này cũng có thể dẫn đến các biến chứng như sỏi thận, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và suy giảm chức năng thận.

"Bệnh gout trước đây được coi là bệnh của người già, nhưng hiện nay bệnh gout đang có dấu hiệu trẻ hóa. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh gout ngày càng tăng cao khoảng từ 15% - 20% so với trước. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh của người trẻ", BS Hà nói.

Theo BS Hà, một số nguyên nhân gây ra bệnh gout ở người trẻ là do ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin, một loại hợp chất có trong thịt đỏ, gan, thận, tim, cá cơm, cá hồi, sò, tôm, cua, các loại đậu và rau củ quả như nấm, bông cải, bơ...

Purin khi được tiêu hóa sẽ tạo ra acid uric trong máu. Nếu lượng acid uric vượt quá khả năng bài tiết của thận, acid uric sẽ lắng đọng trong các khớp và gây viêm.

Ngoài ra, việc uống quá nhiều bia rượu và các loại nước có gas cũng là một nguyên nhân. Bia rượu và nước có gas chứa cồn và fructose, hai chất có thể kích thích sản sinh acid uric trong máu.

Việc uống quá nhiều đồ uống này cũng làm giảm khả năng bài tiết acid uric của thận. Nếu thận bị suy giảm chức năng, acid uric sẽ tích tụ trong máu và gây ra bệnh gout.

Bên cạnh đó, người thừa cân và béo phì có xu hướng sản sinh nhiều acid uric hơn so với người có cân nặng bình thường. Hơn nữa, người béo phì cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến bệnh gout như tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.

"Một số người có gen bẩm sinh làm cho họ dễ sản sinh hoặc khó bài tiết acid uric hơn so với người bình thường. Do đó, người có cha mẹ hay anh chị em ruột mắc bệnh gout sẽ có nguy cơ cao hơn", BS Hà thông tin thêm.

BS Hà cho hay, sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu hoặc làm giảm khả năng bài tiết acid uric của thận. Ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc điều trị ung thư (cytotoxic), thuốc điều trị cao huyết áp (thiazide), thuốc chống viêm gút (colchicine) và thuốc giảm cholesterol (niacin).

Chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh của người trẻ là một trong những nguyên nhân bị bệnh gout (ảnh minh họa)

Chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh của người trẻ là một trong những nguyên nhân bị bệnh gout (ảnh minh họa)

Để phòng ngừa bệnh gout ở người trẻ, cần ăn uống hợp lý và cân đối. Hạn chế các thực phẩm giàu purin, cồn và fructose. Tăng cường ăn các thực phẩm chứa vitamin C, vitamin E, omega-3 và các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe xương khớp. Uống đủ nước mỗi ngày để giúp thận bài tiết acid uric.

Thực hiện chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục thường xuyên để giảm cân một cách an toàn và hiệu quả. Tránh giảm cân quá nhanh hoặc quá mạnh vì có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi nồng độ acid uric trong máu. Nếu có triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh gout, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc.

Stress và áp lực có thể làm tăng sản sinh cortisol, một loại hormone có liên quan đến việc tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, nên tìm những cách thư giãn và giải tỏa stress như nghe nhạc, thiền, yoga, đọc sách...

"Bệnh gout ở người trẻ là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho xương khớp và cơ thể. Người trẻ cần chú ý đến các nguyên nhân gây bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình", BS Hà nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

comment Bình luận