Tư vấn cách phòng ngừa người già bị sốc nhiệt, đột quỵ ngày nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng số ca người già nhập viện do sốc nhiệt, đột quỵ. Theo các chuyên gia người già bị sốc nhiệt, đột quỵ phải được sơ cứu nhanh, đúng cách để không tử vong do nhập viện muộn.
17:01 | 28/06/2019

50-60 bệnh nhân nhập viện một ngày vì nắng nóng

 
Miền Bắc bao gồm thủ đô Hà Nội đang trải qua khoảng thời gian nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ thường xuyên cao từ 38-40 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, đặc biệt là sức khỏe của người già và trẻ em.
 
Tư vấn cách phòng ngừa người già bị sốc nhiệt, đột quỵ ngày nắng nóng
Nữ bệnh nhân 50 tuổi nguy kịch do sốc nhiệt điều trị tại BV 108
 
Theo thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày vừa qua, số ca cấp cứu tại bệnh viện tăng từ 2 – 3 lần. Nếu như ngày thường, bệnh nhân cấp cứu cho khoảng 20 – 30 thì những ngày nắng nóng tăng lên 50 – 60 bệnh nhân một ngày.
 
Tương tự, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 6 khoa đã tiếp nhận 3 trường hợp người già bị sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ C, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu. Trong số đó đã có 2 trường hợp tử vong.
 

Người già là đối tượng dễ bị sốc nhiệt do nắng nóng

 
Theo các chuyên gia, người già là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nắng nóng. Bản thân người cao tuổi hệ thần kinh đang dần bị thoái hóa, sức chịu đựng kém nên cơ thể khó chống chịu với nhiệt độ cao. Nắng nóng tác động trực tiếp lên người khi lao động ngoài trời. Nền nhiệt độ môi trường cao ở ngưỡng 40 độ C khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng, dẫn tới bỏng da, tổn thương các cơ quan nội tạng có thể dẫn tới suy tạng, tử vong.
 
Tư vấn cách phòng ngừa người già bị sốc nhiệt, đột quỵ ngày nắng nóng
Đối tượng dễ bị sốc nhiệt nhất là người lao động ngoài trời dưới cái nắng gắt 40 độ C
 
Nắng nóng nhiệt cao tác động gián tiếp lên người già thông qua việc làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính thường gặp. Người già thường mắc các bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh về gan... Theo một điều tra cộng đồng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người trên 60 tuổi ở Việt Nam có 3 bệnh mãn tính trở lên.
 
Sốc nhiệt tác động lên các nội tạng gây suy giảm chức năng như làm tăng rối loạn đông máu, phù phổi, suy gan, suy thận. Đặc biệt nạn nhân thường gặp các biến chứng về thần kinh như hôn mê, mất trí nhớ, liệt nửa người...
 

Đề phòng người già bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng

 
Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương trước hết người già cần kiểm soát, theo dõi tình trạng các bệnh mạn tính. Cụ thể, người bệnh cần theo dõi tốt nhịp tim, huyết áp, chỉ số đường huyết trong máu... để đánh giá về tình trạng sức khỏe của bản thân.
 
Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Khi phải lao động ngoài trời, mỗi người phải có các phương tiện phòng hộ như quần áo dài dày để chống nắng. Nên chọn quần áo sáng màu để tránh hấp thu nhiệt lượng, hạn chế phơi nhiễm với nắng nóng trong thời gian dài.
 
Bản thân người già cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh mạn tính. Cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Không sử dụng các chất kích thích như đồ uống có ga, có cồn...
 
Tư vấn cách phòng ngừa người già bị sốc nhiệt, đột quỵ ngày nắng nóng
Người già mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát bệnh để tránh biến chứng khi thời tiết nắng nóng
 
Ngay cả khi ở trong nhà, người già cũng rất dễ bị sốc nhiệt bởi sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng điều hòa. Những gia đình có người già và trẻ nhỏ tốt nhất không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp. Nhiệt độ hợp lý nên là 28 độ C, nhiệt độ trong phòng điều hòa không nên quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Khi sử dụng quạt cũng tránh để gió thổi trực tiếp vào người ở cự ly gần.
 
Trường hợp người bị sốc nhiệt khi đang lao động cần phải xử lý tại chỗ. Đưa nạn nhân vào nơi râm mát, thông thoáng tránh tiếp xúc với nắng nóng. Nới lỏng quần áo để thân nhiệt được thoát ra. Làm mát cho nạn nhân bằng cách quạt, đắp nước lên người hoặc chườm đá vào các bộ phận: cổ, nách, bẹn... Nhanh chóng gọi cấp cứu đưa nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
 
Bác sĩ khẳng định các bước sơ cứu ban đầu là rất quan trọng. Nếu không sơ cứu kịp thời nạn nhân có thể bị biến chứng nặng hơn nguy cơ tử vong cao bởi khi được đưa đến bệnh viện đã quá muộn.
 
Các chuyên gia khẳng định, người bị sốc nhiệt nếu được bù dịch đầy đủ, điều trị kịp thời tỷ lệ sống sót sau biến chứng lên tới trên 90%. Nếu được cấp cứu muộn sau 4 tiếng đồng hồ, bệnh nhân đã có biến chứng nặng sau biểu hiện sốc nhiệt thì tiên lượng tử vong cao.
 

Người già bị sốc nhiệt mùa hè nhẹ có nên tắm không?

 
Thực tế việc làm mát cho nạn nhân sốc nhiệt là bước sơ cứu rất quan trọng. Có thể làm mát bằng nhiều cách như dùng quạt mát, vã nước lên người, chườm đá... nhưng không nên tắm.
 
Người bị sốc nhiệt cơ thể đang rất yếu nên cần được làm mát từ từ. Các biện pháp hạ nhiệt đột ngột có thể phản tác dụng ngược lại với nạn nhân. Ngay cả với người khỏe mạnh cũng rất dễ bị đột quỵ nếu tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng hay hoạt động thể chất.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/06/28/Sốc nhiệt- Biểu hiện và cách xử trí - Tin Tức VTV24_28062019144039.mp4[/presscloud]
 Biểu hiện sốc nhiệt và cách xử trí. Video: VTV24
 
 
Hà Ly (T/h)

comment Bình luận