Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ‘chỉ định’ cho doanh nghiệp ‘non trẻ’, ‘chưa doanh thu’ thực hiện dự án bệnh viện 1.800 tỷ đồng

Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mới thành lập được gần 04 năm, chưa doanh thu... nhưng Công ty CP Thương mại Dịch vụ y tế Anh Quân vẫn được Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu "chỉ định" đầu tư dự án bệnh viện gần 1.800 tỷ đồng.
7:00 | 29/04/2021

Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tại Phường 11, TP. Vũng Tàu có diện tích sử dụng đất là 40.000 m2. Ảnh minh họa

Giao gần 4ha đất ‘vàng’ cho tư nhân, miễn tiền thuê đất, nộp ngân sách 5 tỷ

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ký Quyết định số 1022/QĐ-UBND đề ngày 13/4/2021 về việc phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa tại phường 11, TP. Vũng Tàu. Dự án có quy mô bệnh viện đa khoa theo tiêu chuẩn quốc tế, quy mô 400 giường bệnh.

Theo đó, Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ Y tế  Anh Quân (địa chỉ: số 223 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là doanh nghiệp được “chỉ định” nhà đầu tư.

Quyết định phê duyệt do ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký

Diện tích dự án là 39.386,9m2, thời gian sử dụng không quá 50 năm.

Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 1.796.760.270.184 đồng (gần 1,8 ngàn tỷ đồng)

Tại Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp đầu tư theo hình thức xã hội hóa và sau khi dự án được phê duyệt mà đáp ứng các tiêu chí xã hội hóa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh thì được miễn tiền tiền thuê đất; Giá trị nộp ngân sách Nhà nước là 5 tỷ đồng.

“Đẽo chân cho vừa giày"

Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ Y tế  Anh Quân từng “trượt” thầu trong lần sơ tuyển ban đầu của Sở Y tế.

Đây là dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, là loại hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO).

Được biết, dự án Bệnh viện Đa khoa tại phường 11 đã trải qua hai lần sơ tuyển.

Đợt 1, từ ngày 8/10 – 9/11/2018, hai nhà đầu tư dự sơ tuyển là Công ty CP Thương mại Dịch vụ y tế Anh Quân và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hồng Anh. Tuy nhiên, hai nhà đầu tư đều không vượt qua vòng sơ tuyển do chưa đăng ký tư cách nhà đầu tư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đợt sơ tuyển thứ 2 (từ ngày 1/2/2019 – 29/3/2019) có 3 nhà đầu tư tham gia, gồm cả hai nhà đầu tư đã tham gia từ đợt 1. Tuy nhiên, do cả ba nhà đầu tư đều có thời gian thành lập chưa đủ 3 năm nên UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã sửa đổi HSMST, trong đó bổ sung nội dung đánh giá về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Kết quả, Công ty CP Thương mại Dịch vụ y tế Anh Quân là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Được biết, Công ty CP Thương mại Dịch vụ y tế Anh Quân có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, được thành lập ngày 9/6/2017.

Theo quy định, để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 340 tỷ đồng, vốn tối đa phải huy động là 1.360 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có tối thiểu 1 dự án loại 1 hoặc quy đổi tương đương loại 1 thuộc lĩnh vực y tế.

Rõ ràng, về năng lực, kinh nghiệm, tài chính, Công ty Anh Quân không đáp ứng hồ sơ dự thầu nhưng cuối cùng, Sở Y tế vẫn lựa chọn, chỉ định cho doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp vừa thành lập, không có doanh thu: Tay không bắt giặc?

Điểm bất cập trong việc chỉ định thầu dự án Bệnh viện Đa khoa tại Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị được chỉ định thầu chỉ có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với yêu cầu năng lực tài chính đưa ra vào thời điểm đầu tháng 9/2018.

Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 40.000 m2, thuộc địa bàn phường 11, TP Vũng Tàu (vị trí Bệnh viện IMI đã thu hồi chủ trương đầu tư vào tháng 6/2014).

Theo tìm hiểu, Công ty Anh Quân được thành lập ngày 9/6/2017 có trụ sở tại số 223 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa.

Công ty có ngành nghề chính là hoạt động của các bệnh viện, trạm xá với vốn điều lệ 100 tỉ đồng.

Trong đó, ông Trương Dương Tiển, Tổng giám đốc đang là cổ đông lớn nhất nắm 80% vốn. Bên cạnh đó, hai cá nhân khác nắm 18% (Nguyễn Thị Vân Anh có địa chỉ trùng với ông Tiển là đường số 2, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) và 2% (Trương Thị Lộc, tú tại Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vốn của Công ty Anh Quân.

Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, công ty không hề phát sinh doanh thu, lợi nhuận. Tổng tài sản của công ty đến nay vẫn là 100 tỉ đồng, bằng vốn điều lệ.

Ngày 29/8/2019, ông Trương Dương Tiển, bà Nguyễn Thị Vân Anh đã thế chấp xe ô tô con Sabura Outback 2.5i-S Eyesight cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương  Việt Nam – Phòng giao dịch Ba Tháng Hai.

Đáng lưu ý, vào thời điểm đầu tháng 9/2018, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã đưa ra yêu cầu về năng lực tài chính, thương mại với nhà thầu dự án là giá trị tài sản ròng bình quân trong 3 năm 2015, 2016, 2017 không thấp hơn 340 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, khả năng thu xếp vốn và năng lực triển khai thực hiện dự án là vốn chủ sở hữu tối thiểu 340 tỉ đồng, vốn vay tối đa phải huy động 1.360 tỉ đồng.

Có thể thấy điểm bất cập trong việc lựa chọn nhà thầu ở đây khi nhà thầu vừa được chọn là Công ty Anh Quân có tài sản chính là vốn điều lệ chỉ đạt 100 tỉ đồng, công ty cũng chưa phát sinh doanh thu kể từ ngày thành lập.

Vì sao một dự án bệnh viện có diện tích gần 4ha, nằm tại khu đất “vàng” của TP. Vũng Tàu lại chỉ có vài doanh nghiệp "èo uột" tham gia đấu thầu? Để rồi khi không đáp ứng về các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, tài chính nhưng Công ty Anh Quân vẫn được Sở Y tế lựa chọn “chỉ định” nhà đầu tư? Nếu tiến độ dự án tiếp tục kéo dài, "treo" thêm nhiều năm… Sở Y tế có chịu trách nhiệm? Doanh nghiệp vừa thành lập, vốn điều lệ mới đáp ứng được 6% tổng vốn dự án, vậy ngân hàng – tổ chức nào đồng ý cho huy động tới 94% vốn còn lại - tương đương gần 1.700 tỷ đồng?

 

Các trường hợp được phép chỉ định thầu
Chỉ định thầu đối với nhà đầu tư:

Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp:

- Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;

- Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;

- Nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định, cụ thể:

Điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định dự án khả thi và hiệu quả cao nhất được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Có báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án PPP) hoặc đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C) được phê duyệt;

+ Nhà đầu tư đề xuất giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý;

+ Đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.


Chỉ định thầu trái phép bị phạt tù đến 20 năm

Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định về xử lý vi phạm pháp luật đấu thầu.

Theo đó, người vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sư; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại, cụ thể:

- Bồi thường thiệt hại:

Điều 124 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan”.

Như vậy, trường hợp chỉ định thầu trái phép gây ra thiệt hại thì người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu.

- Xử lý hình sự:

Người nào có hành vi chỉ định thầu trái pháp luật có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tù lên tới 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


comment Bình luận