Tắc tá tràng - bệnh lý nguy hiểm ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần hết sức lưu ý

Chiều 13-9, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, sau gần 10 ngày được phẫu thuật cắt màng ngăn tá tràng, bé T.N.H.M đã dần ổn định.
8:35 | 15/09/2019
Theo đó, bé T.N.H.M. (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) do sinh thiếu vài tuần tuổi nên chỉ nặng 2,4 kg. Lúc mới sinh bé khóc, bú được nhưng sau 2 cữ bú, bé bị ói rất nhiều, ói ra cả mật vàng, mật xanh. Tối ngày hôm sau, bé được chuyển vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khi cân nặng chỉ còn 1,9kg. Ở một trẻ sơ sinh nhẹ ký, nếu bị tụt thêm cân nặng sẽ làm trẻ bị mất dịch, sốc, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim.
 
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng tắc tá tràng (đoạn ruột hình chữ C, ngắn, nối giữa dạ dày với ruột non, ống mật, ống tụy) nên đã tiến hành phẫu thuật cắt màng ngăn trong ngăn tá tràng. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là màng ngăn tá tràng lại nằm sát bên lỗ vào của ống tụy, ống mật. Ở trẻ sơ sinh, ống tụy và ống mật rất nhỏ, chỉ bằng một lỗ kim khâu, nếu bác sĩ phẫu thuật không để ý kỹ thì trong quá trình cắt màng ngăn tá tràng sẽ cắt luôn cả ống mật của em bé.
 
Trẻ sơ sinh được hồi sinh kỳ diệu nhờ phẫu thuật cắt màng ngăn tá tràng
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bé (Ảnh Infornet).
 
Hiện, sau 10 ngày được phẫu thuật, sức khỏe của bé đã có tiến triển. Em tăng được 0,3 kg, bú tốt, đi cầu phân vàng (chứng tỏ mật đã thông suốt), Dự kiến khoảng vài ngày nữa sẽ được xuất viện.
 
Tắc tá tràng là bệnh lý tương đối hiếm gặp, có thể mắc phải ở trẻ sơ sinh. Dị tật tá tràng có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi được chẩn đoán bệnh sớm, các bà mẹ cần chuẩn bị tâm lý để trẻ được phẫu thuật ngay sau khi ra đời. Việc phẫu thuật sớm rất cần thiết nhằm tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, mắc viêm phổi và có thể dẫn tới tử vong.

Trẻ sơ sinh được hồi sinh kỳ diệu nhờ phẫu thuật cắt màng ngăn tá tràng
Hiện sức khỏe em đã dần ổn định (Ảnh Tuổi trẻ)
 
Bệnh tắc tá tràng là những biểu hiện điển hình của một hội chứng tắc ruột sơ sinh. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là bé nôn sớm ngay sau khi đẻ. Có khoảng 90% các trường hợp xuất hiện triệu chứng nôn ngay trong ngày đầu tiên và hầu hết các bé nôn ra mật.
 
Khi tiến hành khám bụng, bạn sẽ thấy bé có các biểu hiện của tắc ruột cao với vùng bụng trên rốn chướng vừa phải còn vùng dưới rốn xẹp. Khi kích thích, có thể nhìn thấy trong nhu động của dạ dày. Bé có thể sẽ chậm ỉa phân su hoặc không có phân su. Bên cạnh đó, bé có biểu hiện khóc nhiều, lười bú cũng cần đưa đi khám vì bé có thể bị tắc tá tràng bẩm sinh.
 
Từ trường hợp của em bé sơ sinh trên, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai lưu ý các bà mẹ nên giữ gìn thai kỳ khỏe mạnh, nhất là trong 3 tháng đầu. Việc bà bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sử dụng thuốc không hợp lý rất dễ gây ra dị tật cho trẻ. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ói nhiều ra dịch vàng, xanh, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, điều trị kịp thời.
 
 
Minh Tú (t/h)
 
 
comment Bình luận