Sá sùng là gì? Ăn sá sùng có bổ thận, tráng dương?

Ít ai còn nhớ rằng sá sùng, loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, lại chính là linh hồn của nước phở ngày trước. Bên cạnh đó, nó còn là một loại biệt dược vàng tráng dương, bổ thận.
15:01 | 01/07/2019

Sá sùng là gì?

Sá sùng là sinh vật sống ở các bãi cát ven biển, còn gọi là trùn biển, giun biển, mồi, địa sâm, sa sùng, sâu đất, sâu biển, đồn đột, chặt khoai. Sá sùng có 2 loại là: Loại nhỏ có tên khoa học Sipunculus nudus Linnaeus, thuộc họ sâu đất Sipunculidae, dài khoảng 10cm, nặng 10 - 12g, thân tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, rất linh hoạt; Loại to gọi là sá sùng chuối, tên khoa học Sipunculus sp, cũng họ sâu đất Sipunculidae, nặng tới 120g, thân màu nâu nhạt, có cơ dọc giữa thân dưới 30 sợi và hoạt động chậm chạp hơn loại nhỏ.
 
Sá sùng thấy nhiều ở vùng bờ biển có các bãi cát pha bùn thuộc vịnh Bắc Bộ trong đó nổi tiếng và ngon nhất vẫn là sá sùng ở đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trông có hình dáng hơi đáng sợ, thân mềm nhũn, ít ai biết, nó chính là linh  hồn của vị phở Việt ngày trước.
 
Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong sá sùng có nhiều axit amin, glyxin, alanin, glutamin, succinic... và nhiều taurin, khoáng chất. Trong sá sùng khô thấy chứa acid amin tự do 10,3%, trong đó acid amin có vị ngọt như glycin 3,2%, alanin 2,5%, glutamin 0,25%, succinic 0,35%... là chất tạo nên hương vị thơm ngọt của loài hải sản này. Trong sá sùng còn giàu taurin 3,2%, chất khoáng 1,2%, nên ngay từ xa xưa, loại hải sản này đã được mệnh danh là địa sâm.

sá sùng biệt dược vàng bổ thận tráng dương
 Sá sùng còn được gọi là địa sâm (Ảnh Internet)

Còn gần đây, theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sá sùng là loại giàu dinh dưỡng với lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và nhiều khoáng chất, cụ thể có tới 17 nguyên tố khoáng và 18 loại acid amin với 8 loại không thể thay thế phải dung nạp từ thực phẩm...
 
Bởi vậy xưa kia, khi chưa ra đời bột ngọt, người ta vẫn sử dụng sá sùng để chế biến thành nước phở thơm ngon. Chỉ với một nắm nhỏ sá sùng phơi khô, thả vào nồi nước phở đang sôi cuộn, ta đã có ngay một bát phở đúng chuẩn, chính hãng. Đó là bí kíp để giữ cho nồi nước dùng không những trong mà còn ngọt thanh,chẳng loại gia vị nào sánh kịp.
 
sá sùng biệt dược vàng bổ thận tráng dương
Nó là "linh hồn" một thời của phở Việt (Ảnh Internet)

Sá súng có phải biệt dược vàng bổ thận, tráng dương?


Đông y cho rằng sá sùng có vị mặn, tính mát, có tác dụng bổ dương (có công hiệu bổ thận, tráng dương, ích tinh), thanh nhiệt (tư âm giáng hỏa), thanh phế kiện tỳ. Chủ trị các chứng bệnh như cốt chưng triều nhiệt, âm hư đạo hãn, hung muộn, phế hư khái thấu đàm đa, dạ niệu, nha ngân thũng thống... Đặc biệt, sá sùng được dùng làm thuốc bổ dưỡng rất phổ biến trong cư dân vùng biển. Họ thường dùng dưới dạng món ăn, vị thuốc như nấu cháo, nấu canh, nướng vàng hoặc xào với củ nghệ.
 
Bài thuốc tráng dương bổ thận dành các quý ông đang được giới Đông y khuyên dùng như:
 
Chữa yếu sinh lý, liệt dương: Theo kinh nghiệm dân gian của Việt Nam và Trung Quốc, thịt sá sùng phơi hoặc sấy khô rồi nướng giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với liều 6 - 10g mỗi lần, chiêu với nước ấm hoặc rượu, ngày 3 lần. Thuốc có công hiệu bổ thận, tráng dương, ích tinh.
 
sá sùng biệt dược vàng bổ thận tráng dương
Nhiều món ăn ngon được chế biến từ sá sùng (Ảnh Internet)

Hoặc dùng món ăn thuốc (có công dụng bổ ngũ tạng, tư âm, tráng dương, tăng cường khí lực cho cơ thể, chữa yếu sinh lý): Lá dâm dương hoắc 50g, rửa sạch cho vào đáy nồi, đổ ngập nước rồi để xửng lên trên, sá sùng tươi 200g trộn đều với 50g lá hẹ, dầu vừng 20g, rồi xếp đều sá sùng đã được trộn đều lên trên xửng và hấp, đun sôi 15 phút là ăn được, chấm với nước mắm chua cay hay muối tiêu, chanh.
 
Ngoài ra, loại sá sùng này có thể đem chế biến thành những món ăn đơn giản, như: sá sùng đảo giòn, sá sùng chiên giòn hay một bát canh sá sùng nấu lá lốt trong những ngày hè này thật ngon hết sảy, lại còn giúp cơ thể giải nhiệt.
 
 
Minh Tú (t/h)
 
comment Bình luận