Nguy hiểm khôn lường khi phụ nữ mới sinh bị bạo hành

Bác sĩ nhận định, phụ nữ mang thai và mới sinh đang ở trong thể trạng yếu nhất. Vợ mới sinh bị bạo hành có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe về cả thể chất và tinh thần.
15:31 | 29/08/2019
Gần đây, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ với sự việc võ sư Nguyễn Xuân Vinh (Hà Nội) hành hung vợ mới sinh và đang bế con còn đỏ hỏn. 
 
Theo những hình ảnh được camera ghi lại, người chồng liên tập dùng tay đập vào đầu rồi còn dùng chân đạp vào người vợ. Trong khi đó, người vợ đang bế đứa con còn đỏ hỏn vẫn bị đánh dúi dụi, ngã đập đầu vào ghế...
 
Những nguy cơ sức khỏe khi vợ mới sinh bị chồng bạo hành
Người vợ bị đánh liên tiếp từ trong phòng tới ngoài nhà.

Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (Hà Nội) chia sẻ, với một người phụ nữ khỏe mạnh bình thường, việc bị hành hung cũng gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
 
Trường hợp này người vợ mới sinh con, sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục cộng với trên tay đang bế con nhỏ. Lẽ ra đây là thời điểm người vợ phải được yêu thương, chăm sóc nhất chứ không phải bị bạo hành như 'địa ngục trần gian'.
 
Những nguy cơ sức khỏe khi vợ mới sinh bị chồng bạo hành
Người vợ đang bế con nhỏ vẫn bị chồng đánh ngã dúi dụi dưới sàn.

Theo hình ảnh clip được lan truyền, có thể thấy người vợ vừa bị bạo hành về thể chất và tinh thần. BS Quang nhận định, hành vi bạo lực phụ nữ đang mang thai hay sau sinh sẽ gây tổn hại nặng nề bởi đây là giai đoạn thể trạng người phụ nữ còn rất yếu.

Thứ nhất, ở giai đoạn sau sinh, tâm lý người mẹ chưa thực sự ổn định, việc bị lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm danh dự kết hợp bạo hành thể chất rất dễ dẫn tới các sang chấn tâm lý, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Nếu người mẹ đang có bệnh lý thì việc bị bạo hành sẽ khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn dẫn tới hoang tưởng nặng.

Thứ hai, sau sinh sức khỏe thể chất của người mẹ chưa hồi phục hoàn toàn. Việc bị đánh đập, bị đá... vào người sẽ gây chấn thương phần mềm và phần cứng không thể nhìn thấy từ bên ngoài.

Trong đó lưu ý về nguy cơ vết mổ ở bụng hay vết khâu tầng sinh môn dễ bị bị rách, nhiễm trùng. Đặc biệt phụ nữ sau sinh đang trong quá trình co hồi dạ con, các tổ chức còn mềm và lỏng lẻo, việc bị đạp mạnh vào bụng gây ra tình trạng băng huyết.
 
Những nguy cơ sức khỏe khi vợ mới sinh bị chồng bạo hành
Sau khi bị chồng bạo hành, người vợ đã được đưa đi kiểm tra sức khỏe.

Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, hệ lụy về tinh thần là điều không tránh khỏi. Người vợ của võ sư Nguyễn Xuân Vinh đã chia sẻ với báo chí về việc bị áp lực từ chồng trong suốt 1 tháng trời khiến chị suy nghĩ nhiều tới mất ăn, mất ngủ và mất sữa cho con bú.
 
Đây là hậu quả nhãn tiền với các bà mẹ bị bạo hành. Việc bị đánh đập thường xuyên chắc chắn gây stress, ảnh hưởng tới giấc ngủ và bữa ăn. Khi không thể ăn ngủ tốt, người mẹ chắc chắn mất sữa hoặc giảm tiết sữa, không đủ lượng sữa cho trẻ bú khiến việc nuôi con càng khó khăn hơn.

Không chỉ với người mẹ, trẻ nhỏ cũng dễ gặp nguy hiểm khi mẹ bị bạo hành. Có thể thấy trong clip, người mẹ bế con còn đỏ hỏn trên tay nên rất dễ gây chấn thương đi kèm cho trẻ. Nguy hiểm nhất là việc trẻ bị rung lắc quá mạnh có thể gây va đập hoặc chấn thương sọ não mà ta chưa thể thấy hậu quả ngay lập tức.

BS Trần Vũ Quang cũng chia sẻ trong quá trình công tác đã gặp rất nhiều trường hợp người phụ nữ bị bạo hành sau sinh. Hầu hết trường hợp đều lấy lý do khác như ngã xe hoặc tai nạn để che giấu việc bị chồng bạo hành.

Dù vậy, trong quá trình thăm khám bác sĩ hoàn toàn có thể nhận ra những dấu vết của việc bị bạo hành. Một số khác chỉ được phát hiện khi người nhà lên tiếng hoặc thông qua thái độ thiếu hợp tác của người chồng. Trong bất kể trường hợp nào, bạo hành phụ nữ luôn là hành động sai trái, đáng bị xã hội lên án, tẩy chay.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/08/29/chong-vo-su-danh-vo_29082019150421.mp4[/presscloud]
Đoạn video ghi lại cảnh người chồng võ sư liên tiếp đánh đập, đạp đá vào người vợ đang bế con nhỏ.
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
comment Bình luận