Có nên tiêm ngay vaccine cho F0 vừa khỏi bệnh?

Theo chuyên gia, việc F0 khỏi bệnh được tiêm vaccine ngay trong khi người chưa mắc Covid-19 lại phải chờ 3 tháng là khá khó hiểu.
13:49 | 29/12/2021

Trong văn bản gửi các địa phương và đơn vị liên quan ngày 17/12 vừa qua về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại. Việt Nam sẽ tiêm mũi nhắc lại cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên đã bao phủ đủ liều cơ bản hoặc bổ sung, đặc biệt lưu ý tiêm cho toàn bộ người có bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế, trên 50 tuổi và nhân viên y tế, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Có cần tiêm ngay vaccine cho F0 vừa khỏi bệnh?

Đáng chú ý, khoảng cách tối thiểu giữa mũi nhắc lại và mũi cuối cùng của liều cơ bản là 3 tháng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đề cập người đã mắc Covid-19 có thể tiêm vaccine ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế theo quy định.

Điều này gây ra nhiều ý kiến thắc mắc khi rất nhiều người nhiễm Covid-19 đã được bao phủ vaccine trước đó lại được tiêm nhắc lại ngay, bất kể khoảng cách với mũi cuối của liều cơ bản.

Theo thông tin Zing đăng tải, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc nhiều người đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine sau khi khỏi Covid-19 được tiêm ngay mũi nhắc lại, trong khi những người lành phải đợi tối thiểu 3 tháng là “ngược” và khá khó hiểu.

"Thực tế, những trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine và vừa khỏi Covid-19 có hệ miễn dịch với SARS-CoV-2 tốt hơn người chưa mắc bệnh. Vậy tại sao nhóm vừa khỏi Covid-19 phải tiêm nhắc lại sớm trong khi rất nhiều người đã đủ thời gian còn chưa được tiêm", bác sĩ Khanh đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia này, việc tiêm ngay vaccine sau khi khỏi bệnh Covid-19 chỉ nên áp dụng với người chưa tiêm hoặc mới bao phủ một mũi trước thời điểm nhiễm virus. Trong khi đó, những người vừa khỏi bệnh Covid-19 và đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine cũng nên đợi 3 tháng trước khi tiêm nhắc lại. Từ đây, quy định có thể cần cụ thể hơn, tránh gây hiểu nhầm và đi sai định hướng chống dịch.

Bác sĩ Khanh cho biết khoảng cách giữa mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lại được đưa ra dựa trên nguyên lý cụ thể. Theo đó, sau khoảng thời gian 3 tháng, khả năng đề kháng với virus từ liều cơ bản mới có thể ổn định. Sau thời gian này, việc tiêm nhắc lại sẽ đem đến hiệu quả tốt nhất.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 để phòng biến chủng mới

Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến hết ngày 27/12, cả nước đã tiêm tổng cộng 2.794.380 liều vaccine Covid-19 cho mũi 3 (bao gồm cả mũi bổ sung, mũi nhắc lại và mũi 3 của vaccine Abdala).

TP.HCM là địa phương tiêm mũi 3 nhiều nhất cho người dân với hơn 500.000 liều đã thực hiện. Trong cuộc họp mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng tiêm mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân, hoàn tất trong tháng 1/2022. Các quận, huyện và TP Thủ Đức phải thực hiện cao điểm tiêm mũi 3 cho cả nhóm nguy cơ, không nguy cơ sau khi đủ 3 tháng tiêm mũi 2.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Tây Ninh, Cà Mau... cũng đã triển khai tiêm vaccine mũi tăng cường cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vét vaccine, thành lập tổ tiêm vaccine "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" thuộc nhóm nguy cơ cao, tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao không được tiêm (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.

Ngày 28/12, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về trường hợp nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng cho biết người này đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau đó.

Theo tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mũi vaccine tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia.

Bên cạnh vaccine, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa qua cũng đã yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt biến chủng Omicron, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm nCoV tại cộng đồng, người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát rộng, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, vùng phong tỏa.

Các địa phương cần tiếp tục giám sát, chuyển mẫu bệnh phẩm đến đơn vị chuyên ngành để giải mã nhanh các biến chủng lưu hành, kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các biến chủng quan ngại như Omicron.

comment Bình luận