Băn khoăn về công tác đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư tại Bệnh viện Mắt Trung ương

Nhìn thẳng vào sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế, thời gian qua đã có rất nhiều cơ sở lớn nhỏ trên cả nước liên tiếp vi phạm gây thât thoát hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước như Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh việt Mắt TP.HCM...
13:45 | 15/11/2021

Hơn một năm vừa qua, ngành Y tế là ngành chịu nhiều tổn thất nặng nề khi vừa phải ra sức đối mặt với sức tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19, vừa phải liên tiếp xử lí hàng loạt cá nhân lợi dụng tình hình khó khăn chung của cả nước, "cấu kết" với nhau "bòn rút" kiệt quệ ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân.

Đau lòng hơn cả, trong danh sách xử phạt lại có sự góp mặt to lớn của những người đứng đầu những tổ chức, cơ sở y tế bệnh viện lớn được người dân tin tưởng. Dịch "nóng" mà "sự tha hóa biến chất" của đội ngũ lãnh đạo còn "nóng" hơn.

Bệnh viện Mắt Trung ương số 85 Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hàng năm, Bệnh viện Mắt Trung ương phải mua các gói thầu hóa chất - vật tư tiêu hao phục vụ công tác điều trị. Thủy tinh thể nhân tạo là nhóm hàng mua thường xuyên, giá trị mặt hàng cao. Bệnh viện thường phải chi trả từ 180 đến 200 tỷ đồng/năm cho việc mua sắm mặt hàng này.

Với tư cách là bên mời thầu, bệnh viện đưa ra các tiêu chí trong nhiều hồ sơ mời thầu như: thiết kế càng, chiều dài tổng thể L, hệ số chiết xuất, độ sâu tiền phòng, hằng số A, công nghệ sản xuất,…

Một điều hiển nhiên, không nhiều nhà thầu có thể đáp ứng được hết những tiêu chí trên. Đồng nghĩa với việc, cơ hội trúng thầu sẽ nghiêng về bên "đã nằm trong tầm ngắm đã được xác định từ trước" bởi chỉ có họ mới có thể đáp ứng. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu, hạn chế nhiều nhà thầu tham gia và dễ hao tổn tiền của Nhân dân.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp trúng thầu của Bệnh viện Mắt Trung ương luôn là những doanh nghiệp "quen mặt" như:

Công ty TNHH Thương mại Bách Quang (từ 2017 đến  2020) trúng thầu nhiều gói thầu, với tổng giá trị lên tới 150,7 tỷ đồng

Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công (4/2017, Bệnh viện Mắt Trung ương công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 07 gói thầu lớn, có giá trị hơn 383,6 tỷ đồng, thì Công ty Thành Công đã trúng 5/7 gói thầu)…

Năm 2017, Bệnh viện Mắt Trung ương mời thầu 03 gói thầu mua thủy tinh thể nhân tạo, có 05 mặt hàng có hợp đồng cung cấp cho bệnh viện, nhưng không lấy theo giá hợp đồng mà lấy theo giá cao hơn giá hợp đồng. Điều này, rất cần phải có sự kiểm tra, giám sát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, để làm rõ đúng sai và giám sát chặt chẽ các hoạt động mua sắm công.

Năm 2018, Bệnh viện mua 3.500 thủy tinh thể nhân tạo có model CT Lucia 201P do Công ty Gia Minh cung cấp với giá 12,250 tỷ đồng. Điều đáng nói, sản phẩm CT Lucia 201P tại Bệnh viện Mắt TP.HCM mua với giá 3,4 triệu đồng/cái vừa được Bộ Công an xác định có sai phạm. Trong khi đó, Bệnh viện Mắt Trung ương phải mua với giá 3,5 triệu đồng/cái.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 54/QĐ-VPCQCSĐT ngày 28/10/2020. Cũng trường hợp tương tụ, Bệnh viện Mắt Trung ương lại chưa được xem xét, điều tra.

Ngoài ra, hai hợp đồng mua sắm máy phẫu thuật cận thị bằng Laser Excimer mà Bệnh viện ký năm 2018 cũng rất "có vấn đề". Khi giá mua loại máy Amaris của hãng Schwind - Đức ở các bệnh viện khác có giá khoảng 10 tỷ đồng/01 máy. Nhưng cũng cùng loại máy này, cùng đời và cùng seri máy, Bệnh viện Mắt Trung ương ký hợp đồng liên doanh, liên kết mua máy Amaris có giá khoảng 20 tỷ đồng/01 máy, đắt gấp đôi so với các bệnh viện khác.

Vừa mua 02 máy phẫu thuật cận thị bằng Laser Excimer được một năm, đến ngày 01/10/2019, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương - ông Nguyễn Xuân Hiệp - tiếp tục ký kết 01 hợp đồng bảo trì máy Amaris với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Can với giá trị hợp đồng lên tới hơn 3,5 tỷ đồng.

Tại sao máy mới mua về được 01 năm với số tiền cao gấp đôi các bệnh viện khác đã phải nhanh chóng bảo dưỡng với số tiền lớn như vậy? Bệnh viện Mắt Trung ương đã bỏ ra số tiền tỷ gấp đôi nhưng lại mua phải máy móc kém chất lượng? Nhà thầu "quen mặt kém uy tín"? Liệu có sự "móc nối", "thông thầu" "độn giá" để bòn rút ngân sách Nhà nước? Chất lượng khám chữa bệnh, quyền lợi của người bệnh liệu có được đảm bảo trong thời gian qua?

ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện (BV) Chợ Rẫy phát biểu trên báo PLO, nhìn nhận: "Chắc chắn có những sai phạm mang tính cá nhân, bởi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thì đều có các chứng cứ rõ ràng, không thể nào đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế được".

Theo ĐB Thức, những ai tiêu cực với các bằng chứng từ cơ quan chức năng về thông thầu, móc nối, thổi giá… thì phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra cần phải có quy định thật chi tiết về việc đấu thầu trang thiết bị y tế, để người muốn làm sai cũng không làm được.

"Y tế là ngành đặc biệt, không phải kinh doanh, chúng ta không thể kinh doanh sức khoẻ được nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu để có thể đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh" – ĐB Thức nhấn mạnh.

"Việc này sẽ giúp tránh nâng giá thiết bị, tránh bắt tay nhau kéo dài thời gian liên kết không phù hợp, cũng như tránh bắt tay nhau trong chia tỉ lệ để lạm thu người bệnh" – ĐB Thức nói thêm.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, ngành nào cũng vậy, cũng sẽ có cá nhân hoặc là không nắm vững luật lệ, hoặc là nắm vững rồi nhưng vẫn cố tình vi phạm.

"Sai phạm tới đâu thì cơ quan chức năng sẽ trả lời nhưng rõ ràng chúng ta không ủng hộ cái sai mà phải đặt lợi ích người dân lên trên hết" – ĐB Lan khẳng định và cho biết sai phạm trong ngành y tế luôn được người dân quan tâm, vì đó là vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp của một bác sĩ cứu người.

ĐB Lan chia sẻ, sai phạm đến từ người thầy thuốc là điều rất đau lòng và khó chấp nhận.

Theo bà, đầu tiên người làm sai phải tự xem lại mình nhưng cũng cần phải nhìn lại xem thể chế, cơ chế, môi trường có thuận lợi cho cán bộ y tế làm đúng không.

Nhìn lại việc quản lý trang thiết bị, vật tư y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết hầu như là các bệnh viện tự bơi, chỉ có Luật Đấu thầu nhưng mang tính chung chung cho các ngành. Trong khi đó đặc thù về máy móc của ngành y rất phức tạp; các công ty cạnh tranh, mong có lợi nhuận nên không loại trừ có những mánh khoé, đẩy giá trang thiết bị lên cao.

Bà Lan cho rằng với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, theo như ý của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thì nên có bộ phận chuyên nghiệp tại Bộ Y tế lo về việc này. ĐB Lan kiến nghị nên tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị trong toàn quốc thành một bảng tổng hợp chung, công khai giá trần, giá sàn bao nhiêu.

Đi sâu hơn vào cơ chế đấu thầu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị cần công khai, minh bạch đấu giá. "Máy đó có những hãng nào sản xuất, giá gốc bao nhiêu, biên độ lợi nhuận cho phép bao nhiêu, chúng ta có thể họp với các công ty để hỏi, sau đó đấu công khai..." – bà nói.

comment Bình luận