Việc xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP. HCM còn gặp nhiều khó khăn

Tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn diễn ra ở khu vực TP. HCM. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay để xử lý tình trạng này, thế nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
8:53 | 06/07/2024

Theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, nguyên nhân cơ bản khiến việc xử lý các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định trên địa bàn hành phố gặp khó khăn chủ yếu do:

Việc di dời các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh giai đoạn 2 (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào các tỉnh phía Nam) từ bến xe Miền Đông (292 đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh) ra bến xe Miền Đông mới (501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức) kể từ ngày 11/10/2022 làm tăng thời gian di chuyển đến bến xe của hành khách; tuyến đường kết nối từ bến xe Miền Đông mới đến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây chưa thuận tiện (phải di chuyển vào khu công nghệ cao để đến cao tốc); chưa tổ chức được các điểm dừng đón, trả khách mới trên hành trình chạy xe đến bến xe khách liên tỉnh  do không đảm bảo an toàn giao thông.

Nhu cầu cao của hành khách được xe đón và trả khách tại các khu vực tập trung dân cư.

Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan theo thẩm quyền như Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức, các sở - ngành liên quan; thiếu sự phối hợp của một số Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có xe khách vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố; hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám giám hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn thiếu chức năng để trích xuất vi phạm của xe khách; còn thiếu các camera quan sát giao thông được lắp đặt tại các vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng quy định.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số nhiệm vụ sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới của Sở Giao thông vận tải TP. HCM :

Tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải rà soát thống kê các các điểm có hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố và gửi Công an Thành phố, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để kiểm tra, xử lý.

Tiếp tục phối hợp với UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, các sở-ngành liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải khi có yêu cầu.

Tiếp tục rà soát bổ sung vào kế hoạch kiểm tra thêm các đơn vị, có công văn gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra xử lý vi phạm các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc các tỉnh, thành phố quản lý nhưng có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn TP. HCM.

Xây dựng dự thảo kế hoạch kiểm soát hoạt động đón trả khách trên địa bàn TP. HCM, trình UBND Thành phố ban hành; trong đó xây dựng phương án kiểm soát về tổ chức giao thông cho từng vị trí (đã có Công văn số 7387/SGTVT-VTĐB ngày 11/6/ 2024 giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng phương án cụ thể).

Tiếp tục chủ trì phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát vị trí để tổ chức điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định liên tỉnh phục vụ cho các tuyến vận tải hành khách đến và đi tại các bến xe; nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận bến xe được thuận lợi và an toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của bến xe, đặc biệt là bến xe Miền Đông mới; qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, góp phần trong công tác bảo đảm trật tự hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố.

Xây dựng phương án thí điểm ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ phục vụ công tác quản lý vận tải và xử lý vi phạm trên địa bàn TP. HCM thông qua dữ liệu chia sẻ từ thiết bị giám sát hành trình.

Đề nghị các đơn vị quản lý bến xe nghiên cứu và đề xuất: Phương án tiếp chuyển hành khách đi, đến các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để chủ động triển khai thực hiện; trong đó, tổ chức bãi đệm đậu đỗ xe, xem xét miễn giá dịch vụ xe ra vào bến và giá dịch vụ đậu đỗ cho xe taxi, xe ô tô vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử đưa, đón hành khách tại bến xe, theo thẩm quyền quy định; cung cấp cơ sở dữ liệu thống kê nhu cầu vận chuyển của hành khách đi và đến từ các quận-huyện, thành phố Thủ Đức, khung giờ đi, đến bến xe các đơn vị vận tải xe taxi, xe ô tô vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử để bố trí phương tiện phục vụ; xây dựng phần mềm kết nối với phần mềm đặt xe của các đơn vị vận tải xe taxi, xe ô tô vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử để phục vụ hành khách có nhu cầu.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng các hạng mục còn lại của dự án bến xe Miền Đông mới theo đúng quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt nhằm đảm bảo mục tiêu hiệu quả đầu tư.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu các giải pháp thu hút tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động tại các bến xe khách liên tỉnh (bến xe Miền Đông, bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga).

Chủ trì phối hợp với các đơn vị vận tải liên quan nghiên cứu đề xuất điểm dừng đón, trả khách tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh kèm theo phương án quản lý để Sở Giao thông vận tải xem xét theo quy định; trong đó, cần nêu được vai trò tham gia quản lý, giám sát điểm dừng đón, trả khách tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh của đơn vị quản lý bến xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các bến xe được thuận lợi và an toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của các bến xe.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận