Vàng da ở trẻ sơ sinh – Những điều cần biết

Vàng da sơ sinh là do bilirubin tăng cao trong máu và biểu hiện bằng sự đổi màu vàng của da và mắt. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh. Khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau sinh.
15:56 | 29/01/2024

Nhận diện các triệu chứng vàng da

Sự thay đổi màu vàng da sẽ dễ nhận thấy đầu tiên ở mặt, sau đó là ngực, bụng, cánh tay, cuối cùng là ở chân.

Có thể kiểm tra bằng cách ấn một ngón tay lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.

Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi bật của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn hay không.

Nên kiểm tra nhiều lần trước khi trẻ rời bệnh viện sau khi sinh. Nếu bà mẹ đưa bé về nhà sớm hơn ba ngày sau khi sinh, bà mẹ nên kiểm tra màu da của bé hàng ngày cho đến lần hẹn khám tiếp theo. Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng để kiểm tra trong vòng một đến ba ngày sau khi về nhà.

Vàng da sinh lý: Vàng da sinh lý thường gặp ở 60% trẻ đủ tháng và 80 - 100% ở trẻ non tháng tùy tuổi thai. Đây là tình trạng vàng da nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị.

Vàng da sinh lý khi tình trạng vàng da ở trẻ thỏa đủ 5 điều kiệu sau: Thời điểm xuất hiện sau 24 giờ đầu sau sinh; vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lì bì, co gồng,…; vàng da chỉ ở mặt, cổ, ngực và vùng bụng trên rốn; nồng độ Bilirubin trong máu không quá 12mg% nếu bú sữa công thức và không quá 15mg% nếu bú sữa mẹ; tự khỏi sau 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu của vàng da nặng

Vàng da xuất hiện từ đầu gối trở xuống, vàng sậm hơn (chuyển từ vàng chanh sang vàng cam) hoặc mắt vàng; vàng da trước 24 giờ tuổi; trẻ có sốt; trẻ bú kém; trẻ ngủ nhiều hơn bình thường; trẻ khó đánh thức; trẻ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành; trẻ ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau (co gồng).

Điều trị vàng da

Tiếp tục cho ăn sữa: Quan trọng vì điều này sẽ thải bilirubin qua phân và nước tiểu.

Chiếu đèn: Phương pháp điền trị thông thường nhất, và đa số trẻ chỉ cần chiếu đèn để điều trị vàng da.

Thay máu: Cần khi các phương pháp khác không hiệu quả, có dấu hiệu hoặc có nguy cơ cao tổn thương não.

Phòng ngừa vàng da do tăng bilirubin máu nặng là rất quan trọng để tránh các biến chứng nghiệm trọng, bao gồm:

Sàng lọc: các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả các trẻ sơ sinh nên kiểm tra nồng độ bilirubin trước khi xuất viện về nhà, bất kể độ tuổi. Điều này đặc biệt đúng với những trẻ bị vàng da trước 24 giờ tuổi, trong trường hợp đó cần phải xét nghiệm lại.

Theo dõi: Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ theo dõi chặt chẽ nếu vàng da tăng dần. Vàng da tăng bilirubin máu thường dễ dàng ngăn ngừa và điều trị ban đầu; tuy nhiên, các biến chứng có thể nghiêm trọng và không thể hồi phục nếu điều trị bị trì hoãn.

Điều trị kịp thời: Trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cao nên được điều trị ngay để giảm nồng độ bilirubin một cách an toàn và ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não, không nên trì hoãn điều trị vì bất kì lý do gì.

BS Dương Lê Hiển Đạt

comment Bình luận