Vai trò của phục hồi chức năng tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phục hồi chức năng (PHCN) tim mạch là các hoạt động nhằm đảm bảo cho bệnh nhân tim mạch đạt được tối đa điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội để họ có thể tự cố gắng đạt được một vị trí trong cộng đồng và tiến đến một cuộc sống tích cực hơn với mục đích hòa nhập cộng đồng, giảm tỉ lệ tử vong và giảm tần suất bệnh.
13:43 | 08/12/2023

Chỉ định và chống chỉ định của PHCN tim mạch

Chỉ định: Bệnh nhân sau hội chứng vành cấp ổn định với điều trị nội khoa; cơn đau thắt ngực ổn định; bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu chủ - vành; bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành, suy tim mạn ổn định (suy tim tâm thu hoặc tâm trương); bệnh nhân sau ghép tim; bệnh nhân sau phẫu thuật van tim,…

Chống chỉ định: Cơn đau thắt ngực không ổn định, tăng huyết áp, hạ huyết áp tư thế; hẹp van động mạch chủ nặng; loạn nhịp thất hoặc nhĩ chưa kiểm soát; nhịp nhanh xoang; suy tim mất bù.

Khám lượng giá trước tập luyện: Bệnh nhân cần được thăm khám, chương trình tập luyện, giám sát và điều chỉnh cho từng bệnh nhân cụ thể nhằm mục tiêu cải thiện thể chất, đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, tránh được các tai biến trong và sau khi thực hiện bài tập. Tập vận động nên bắt đầu sớm ngay khi có thể (ngày thứ 4 sau hội chứng vành cấp, sau phẫu thuật tim nếu bệnh nhân không có biến chứng). Tình trạng tim mạch phải ổn định, bệnh nhân không còn các triệu chứng như đau ngực, khó thở khi gắng sức, chóng mặt, toát mồ hôi, tím tái, loạn nhịp tim nặng. Các bài tập trong giai đoạn này là các vận động chậm, nhẹ nhàng và phù hợp mức độ bệnh lý của từng bệnh nhân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các giai đoạn của chương trình PHCN tim mạch toàn diện

Giai đoạn I là giai đoạn bệnh nhân đang nằm viện, thường là 1 - 14 ngày, mục tiêu giúp bệnh nhân có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt trong nhà hằng ngày, tư vấn và giáo dục sức khỏe thay đổi yếu tố nguy cơ, tuân thủ điều trị thuốc. Lợi ích của vận động sớm trong giai đoạn này là giúp bệnh nhân tránh được biến chứng của việc nằm lâu tại giường bao gồm thoái hóa cơ, chóng mặt tư thế, rối loạn hoạt động  của bàng quang và ruột, loét tì đè, viêm phổi.

Giai đoạn II còn được gọi là giai đoạn hồi phục, kéo dài từ 6 - 12 tuần, bắt đầu từ sau khi bệnh nhân xuất viện. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ tham gia chương trình PHCN ngoại trú dưới sự giám sát của nhân viên y tế, từ 1 - 3 lần mỗi tuần.

Giai đoạn III được gọi là giai đoạn duy trì, là giai đoạn PHCN dựa vào cộng đồng nhằm duy trì các hoạt động PHCN để tiếp tục đạt được các lợi ích lâu dài của việc tập luyện thể dục và giảm thiểu nguy cơ tái phát biến cố, dù có cải thiện rõ rệt về chức năng của tim.

Các yếu tố cơ bản của chương trình tập luyện vận động

Tần suất tập luyện cần thiết để cải thiện sự đáp ứng phù hợp của hệ tim mạch với vận động là ít nhất 3 lần trong 1 tuần (ngày tập – ngày nghỉ). Tập luyện thường xuyên giúp duy trì được sức bền của tim, phổi  và cơ bắp, tăng khả năng hoạt động thể lực.

Cường độ tập luyện hết sức quan trọng đối với bệnh nhân tim mạch. Cường độ tập luyện được chỉ định tùy theo kết quả lượng giá chức năng tim mạch và nguy cơ tập luyện của bệnh nhân. Cường độ tập luyện dựa vào các thông số như tần số tim tối đa, tần số tim lúc nghỉ, tần số tim ở ngưỡng thiếu máu cục bộ.

Thời lượng tập luyện thường khoảng 20 - 60 phút, có thể cộng dồn và nên có thời gian nghỉ giữa chừng, không nên tập liên tục hơn 20 phút. Các bài tập cường độ thấp, lặp lại nhiều lần ở các nhóm cơ lớn, ví dụ đi bộ, leo cầu thang, đạp xe đạp,… giúp cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

BS.CKI Thạch Ngọc Thúy An

comment Bình luận