‘Trùm’ gom thầu y tế AIC còn bán cả thiết bị quan trắc cho Sở Tài nguyên Hải Dương

Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu dự án xảy ra tại một số bệnh viện công, khiến Nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. “Đế chế” AIC, trong một thời gian dài trở thành “ông lớn”, “bà trùm” tại các gói thầu y tế, giáo dục, môi trường... các tỉnh, thành.
7:00 | 06/04/2023

Mặc dù đang bỏ trốn nhưng bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bị tuyên tổng hình phạt là 30 năm tù cho cả 2 tội danh.

AIC – “lò xay” cán bộ "hư"

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC). Nữ bị can này bị truy nã liên quan đến hành vi phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, khi điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cơ quan điều tra xác định dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, song đơn vị thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu, để Công ty AIC trúng thầu 12 gói thầu, với tổng trị giá gần 480 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền 152 tỷ đồng.

Sau khi nhiều thành viên của Công ty AIC bị khởi tố, loạt cựu cán bộ của tỉnh Đồng Nai liên quan đến vụ án cũng bị tạm giam để điều tra về tội Nhận hối lộ. Trong đó có ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai)...

26 lần đưa nhận hối lộ với số tiền hơn 45 tỷ đồng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế), đã khiến nhiều lãnh đạo địa phương vướng vòng lao lý. Hàng chục tỷ hối lộ quan chức của bà Nhàn đều bằng tiền mặt, diễn ra ngay tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ở Hà Nội, với lần đưa hối lộ nhiều nhất lên tới 5 tỷ đồng tiền mặt.

Ngày 04/1/2023, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhận mức án 11 năm tù về tội “nhận hối lộ”, bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận mức án 9 năm tù về tội “nhận hối lộ”, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (mặc dù đang bỏ trốn) bị tuyên tổng hình phạt là 30 năm tù cho cả 2 tội danh…

Mới đây nhất, ngày 17/3, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) của Bộ đã khởi tố 5 bị can trong vụ án vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan. Trong các bị can nêu trên có Nguyễn Anh Dũng được xác định là anh trai bị cáo Nguyễn Thị Thanh nhàn (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty - AIC).

Hải Dương chi hơn 95 tỷ đồng để mua thiết bị quan trắc của AIC, tiết kiệm ‘siêu thấp’

Ngày 08/11/2019, ông Tạ Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã ký Quyết định số 173/QĐ-STNMT để phê duyệt Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) trúng “Gói thầu số 04: Mua sắm các Trạm quan trắc môi trường tự động, cố định, liên tục và các thiết bị của Trung tâm điều hành và quản lý cơ sở dữ liệu” có giá trúng lên đến 95.050.000.000 đồng.

Trước đó, gói thầu này được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt danh mục và dự toán mua sắm tài sản, thiết bị tại Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 23/8/2019 và Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 05/9/2019.

Ông Tạ Hồng Minh, Phó giám đốc Sở TNMT ký phê duyệt cho AIC gói thầu hơn 95 tỷ đồng.

Việc phê duyệt gói thầu còn dựa trên Báo cáo số 248/BCĐG-MDLab ngày 01/11/2019 của Công ty CP Medical Device Lab Technology và Báo cáo ngày 06/11/2019 của Công ty CP Khoa học công nghệ Metechvietnam.

Mục tiêu của Luật Đấu thầu là “khách quan, công bằng, tiết kiệm và cạnh tranh”, nhưng ở gói thầu trạm quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương có nhiều vấn đề khiến dư luận hoài nghi.

Đơn cử, so với giá dự toán/ giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm (giảm giá) sau đấu thầu chỉ đạt 60,5 triệu đồng (= 0,06%).

Chưa rõ lý do vì sao mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương lại mua trạm quan trắc môi trường với giá lên đến hơn 95 tỷ đồng.

Tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước "siêu thấp" ở gói thầu hơn 95 tỷ đồng

Trong khi đó, vào tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai mua sắm thiết bị quan trắc và phân tích môi trường của AIC với giá 26,7 tỷ đồng; Tháng 11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cũng mua Trạm quan trắc tự động của AIC với giá 69,5 tỷ đồng; Tháng 11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cũng mua “hệ thống quan trắc môi trường tự động” của AIC với giá 63,6 tỷ đồng

Tất nhiên, vì gói thầu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương không cung cấp chi tiết hàng hóa nên không thể so sánh giá cả. Ngoài ra, việc giá thiết bị trong đấu thầu cao thấp khác nhau còn tùy thuộc vào phần mềm, linh kiện, thời gian bảo hành, bảo trì, đào tạo, truyền thông…

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

Vụ kit test Việt Á: Bắt nguyên Bí thư tỉnh nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương

Ngày 17/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, C03 đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mở rộng điều tra vụ án, C03 xác định: Ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật.

Hiện C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; Rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Trước đó tại Hải Dương, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Duy Tuyến - giám đốc CDC và Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng CDC. Ông Tuyến bị C03 cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng từ Công ty Việt Á.

Tính đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 90 người liên quan vụ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, trong đó, có 8 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
comment Bình luận