Trữ lạnh trứng: Giúp bảo tồn thiên chức làm mẹ

Trong xã hội hiện đại, bảo tồn sinh sản là nhu cầu chính đáng của người phụ nữ. Ngoài ra, một số phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản lý tưởng nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo, cần thời gian điều trị thì việc bảo tồn khả năng sinh sản là vấn đề có thể xem xét.
10:29 | 12/02/2024

Phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng đồng có buổi trò chuyện với ThS.BS Cao Hữu Thịnh –  Chuyên khoa Sản, để tìm hiểu về các kỹ thuật giúp bảo tồn sinh sản ở nước ta hiện nay. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay ở nước ta đang có những kỹ thuật bảo tồn sinh sản nào?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Ở Việt Nam đang thực hiện bảo tồn sinh sản bằng 2 kỹ thuật: Kỹ thuật trữ trứng và kỹ thuật trữ phôi. 

Với kỹ thuật trữ trứng, trứng sau khi lấy ra khỏi cơ thể người phụ nữ sẽ được trữ lạnh, khi nào cần thì lấy trứng ra rã đông và thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

Với kỹ thuật trữ phôi, sau quy trình chọc hút trứng, sẽ thực hiện thụ tinh nhân tạo trứng và tinh trùng để tạo thành phôi. Phôi sẽ trữ lại theo thời gian, khi người phụ nữ đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng thì bác sĩ sẽ chuyển phôi vào buồng tử cung để mang thai. 

ThS.BS Cao Hữu Thịnh –  Chuyên khoa Sản

ThS.BS Cao Hữu Thịnh – Chuyên khoa Sản

PV: Thời gian để thực hiện 2 kỹ thuật này là bao lâu và người phụ nữ phải chuẩn bị những gì trước khi thực hiện?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Để thực hiện 2 kỹ thuật này, người phụ nữ cần 10 - 12 ngày kích thích buồng trứng cho nang trứng phát triển, sau đó trứng sẽ được lấy ra theo đường âm đạo. 

Khi lấy sẽ đau nên các bác sĩ sẽ gây mê trước khi thực hiện. tất cả trứng (noãn) đủ tiêu chuẩn sẽ được trữ lạnh. 

Tuy nhiên, muốn được trữ trứng, đầu tiên phải xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khám âm đạo, siêu âm theo dõi noãn qua ngả âm đạo.

Sau kiểm tra, nếu sức khỏe đáp ứng, sẽ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng, theo dõi phát triển noãn bằng siêu âm và xét nghiệm máu. 

PV: Ông có thể cho biết, trứng được lấy ra khỏi cơ thể người phụ nữ sẽ được bảo quản như thế nào và thời gian trữ lạnh có ảnh hưởng đến chất lượng trứng và sức khỏe em bé sau này?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Để quá trình trữ trứng đạt được kết quả tốt, trứng sau khi được lấy ra khỏi cơ thể của người phụ nữ sẽ được bảo quản ở nhiệt độ âm 196 độ C. 

Đây là nhiệt độ lý tưởng để làm ngưng các hoạt động của tế bào. Đến thời điểm cần sử dụng, trứng sẽ được rã đông và kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi. 

Trứng được lưu giữ bằng kỹ thuật trữ lạnh nhanh, riêng chất lượng trứng trữ lạnh sẽ như trứng tươi; sau khi rã đông và thực hiện thụ tinh nhân tạo có tỷ lệ đậu thai lâm sàng đạt 50%. 

Kỹ thuật áp dụng cho phép lưu trữ trứng, tinh trùng, phôi dài ngày trong môi trường nitơ lỏng âm 196 độ C. 

Ví dụ: Phụ nữ trữ trứng lúc 25 tuổi mà 45 tuổi mới mang thai, thì trứng được rã đông sau vài chục năm vẫn là trứng chất lượng lúc 25 tuổi. 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo thì các giao tử, phôi hay mô này cần được sử dụng trước thời hạn 5 năm là tốt hơn. Bên cạnh đó, thời gian trữ trứng cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, từng bệnh lý khác nhau, sẽ được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn cụ thể trong quá trình thực hiện. 

PV: Trừ những trường hợp vô sinh hiếm muộn hoặc sức khỏe chưa đủ điều kiện mang thai, đối với người phụ nữ bình thường thì độ tuổi nào là thích hợp để trữ trứng thưa ông?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Phụ nữ có độ tuổi dưới 35 là thích hợp nhất để lưu trữ trứng. Từ 35 trở đi, theo chu kỳ sinh lý nữ, chất lượng và số lượng trứng suy giảm. 

Tuy nhiên, phương pháp thụ tinh ống nghiệm có thể đến 45 tuổi nên vẫn có thể trữ trứng ở giai đoạn sau 35 tuổi. 

Theo ThS.BS Cao Hữu Thịnh, bác sĩ sản phụ khoa phải có trách nhiệm từ khi giúp gia đình có em bé đến khi em bé chào đời

Theo ThS.BS Cao Hữu Thịnh, bác sĩ sản phụ khoa phải có trách nhiệm từ khi giúp gia đình có em bé đến khi em bé chào đời

PV: Hiện nay, nhiều bạn trẻ chưa lập gia đình vẫn quyết định trữ lạnh trứng. Theo ông điều đó là nên hay không nên?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Theo tôi, bảo tồn sinh sản có thể chia làm 3 nhóm phụ nữ chính.

Nhóm đầu tiên là phụ nữ vô sinh hiếm muộn, xuất hiện tình trạng trứng suy giảm nhanh ở độ tuổi 20 - 30, trữ lạnh trứng để kết hợp với tinh trùng thực hiện thụ tinh ống nghiệm. 

Nhóm tiếp theo là phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư cần phải xạ trị, hóa trị; để tránh trường hợp thuốc ảnh hưởng đến chất lượng trứng nên sẽ sử dụng kỹ thuật trữ lạnh trứng. 

Nhóm cuối cùng là phụ nữ chưa lập gia đình hoặc đã lập gia đình nhưng chưa muốn có con để tập trung cho sự nghiệp.

Theo tôi, một người phụ nữ muốn bảo tồn sinh sản bằng phương pháp trữ lạnh trứng là nhu cầu chính đáng. Đơn giản vì trứng là của họ, mang thai cũng họ. Vậy quyền quyết định phải thuộc về họ. Việc trữ trứng là một việc làm nhân đạo, không xấu và không ảnh hưởng gì đến chất lượng trứng. 

Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cũng đưa ra lời khuyên đối với phụ nữ chưa lập gia đình, không gặp vấn đề sức khỏe sinh sản thì nên lưu tâm đến chuyện sinh đẻ đúng độ tuổi.

PV: Số lượng phôi thai đưa vào cơ thể của người phụ nữ có thể kiểm soát, vậy tại sao năm 2013, có một trường hợp sinh 5 nhờ tiêm kích trứng mà ông chính là người điều trị? 

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Đợt đó, mẹ của 5 cháu đến tìm tôi để điều trị vô sinh hiếm muộn do bị buồng trứng đa nang, gây rối loạn phóng noãn, trứng không rụng dẫn đến không có thai.

Tôi can thiệp bằng cách kích trứng và hướng dẫn vợ chồng quan hệ tự nhiên. Sau đó, kết quả siêu âm cho thấy chị đa thai. Mặc dù có tư vấn rủi ro nhưng gia đình vẫn quyết định giữ 5 cháu. Giờ gia đình họ quyết tâm thì tôi phải có trách nhiệm suốt quá trình đến lúc mổ thai lấy 5 cháu ra ở 33 tuần rưỡi. 

PV: Việc mang đa thai có nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến sự phát triển của đa thai trong bụng không thưa ông?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Tỷ lệ mang thai tự nhiên không nhiều, nhưng nếu đưa phôi vào thì hoàn toàn có thể đưa hai phôi vào cùng lúc nếu sức khỏe người phụ nữ ổn. 

Mỗi lần thực hiện, chúng tôi thường tạo 5 phôi, vì tỷ lệ thành công là 2/3. Nếu đưa phôi vào mà thất bại thì lại tiếp tục đưa tiếp phôi sau. Cứ như vậy cho đến khi đậu thai. 

Rất nhiều trường hợp yêu cầu được đưa hai phôi vào và cả hai phôi đều đậu. Việc mang đa thai, em bé chỉ ảnh hưởng về cân nặng vì chỉ lấy dinh dưỡng từ một nguồn là mẹ, ngoài ra không ảnh hưởng đến sự phát triển của trí óc.

PV: Trước đây, ông có thời gian du học Pháp 2 năm về phẫu thuật thẩm mỹ nhưng khi về nước, ông lại tiếp tục theo sản khoa. Ông đã bao giờ hối hận vì không theo thẩm mỹ và nghĩ mình sẽ bỏ sản khoa về với thẩm mỹ hay không?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Năm lớp 10, mẹ tôi mất vì ung thư cổ tử cung. Trước khi mất mẹ dặn tôi phải học y để cứu người. Tôi cũng thích cái đẹp, yêu thẩm mỹ và biết đây là một ngành “hot”, kiếm được nhiều tiền. 

Nhưng một bác sĩ sản phụ khoa phải có trách nhiệm từ khi giúp gia đình có em bé đến khi em bé chào đời khỏe mạnh mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ. 

Tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mẹ là học y cứu người, thậm chí còn có thể “tạo” ra người, vì vậy tôi sẽ không bao giờ bỏ nghề sản.

Tuy nhiên, việc có học qua phẫu thuật cũng giúp những đường may vết mổ của tôi trở nên đẹp hơn. 

PV: Điều gì còn khiến ông trăn trở trong quá trình làm nghề của mình?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Vô sinh hiếm muộn là một trong những lý do làm hôn nhân tan vỡ. Lý do các cặp đôi tan vỡ phần lớn do tác động bên ngoài, áp lực từ gia đình chồng, muốn có cháu nối dõi tông đường; phần nữa là do chính người chồng luôn đổ lỗi cho vợ và tự cho mình quyền ra ngoài kiếm con. 

Tuy nhiên, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở nam và nữ là như nhau, đều 40%; tỷ lệ chưa xác định được nguyên nhân chiếm 20% và 20% nguyên nhân vô sinh đến từ cả 2 vợ chồng. Vậy nên đừng đổ lỗi cho phụ nữ, mà hãy đồng hành cùng nhau để tìm ra nguyên nhân. 

Tôi chỉ muốn tất cả những người phụ nữ đều có thể hoàn thành thiên chức làm mẹ của mình thật nhẹ nhàng và hạnh phúc. 

Bác sĩ sản phụ khoa Cao Hữu Thịnh mong muốn các chị em phụ nữ có thể hoàn thành thiên chức làm mẹ

Bác sĩ sản phụ khoa Cao Hữu Thịnh mong muốn các chị em phụ nữ có thể hoàn thành thiên chức làm mẹ

VP: Về chi phí thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hiện nay như thế nào thưa ông?

ThS.BS Cao Hữu Thịnh: Chi phí cho một ca hiếm muộn, nhất là những ca phức tạp tương đối cao so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động. Các kỹ thuật điều trị trong vô sinh tương đối tốn kém. Tuy nhiên, mức chi phí phụ thuộc vào bản thân bệnh nhân và phương pháp điều trị. Nếu người hiếm muộn ở độ tuổi trẻ, mức độ dùng liều thấp sẽ đỡ chi phí.

Mức chi phí cho một ca điều trị hiếm muộn vô sinh từ kích trứng – lấy trứng – trữ trứng khoảng 50 triệu đồng/năm, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình điều trị. Những năm trữ trứng tiếp theo chi phí là 7 triệu đồng/năm. 

Vì vậy, để điều trị hiếm muộn vô sinh đạt hiệu quả cao nhất, đỡ tốn kém nhất thì trước hết người trong cuộc phải khám và điều trị sớm cả 2 vợ chồng; có niềm tin vào bản thân, vào đội ngũ bác sĩ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị; suy nghĩ tích cực; trao đổi và đồng hành với nhau; ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tránh để căng thẳng. Và điều quan trọng là điều trị vô sinh ở nơi uy tín.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Thu

comment Bình luận