Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng gia tăng

Các tranh chấp xây dựng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân điển hình như tranh chấp liên quan đến vấn đề thiết kế, tư vấn, yêu cầu bồi thường do chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, chấm dứt hợp đồng…
17:11 | 02/05/2024
Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP.HCM năm 2024

Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP. HCM năm 2024

Đó là thông tin được ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP.HCM năm 2024 do Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (Ulaw) phối hợp tổ chức, với chủ đề xuyên suốt về “Hợp đồng Xây dựng và Trọng tài Quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột”.

Theo ông Vũ Ánh Dương, trong các dự án xây dựng quốc tế, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với sự đa dạng hệ thống pháp luật, truyền thống pháp lý và sự giao thoa giữa những phong cách tranh tụng từ nhiều nền tài phán khác nhau.

Thoạt nhìn, hệ thống Pháp luật Thông luật (Common Law) và truyền thống pháp luật Dân luật (Civil Law) có thể bị đánh giá là khác biệt ở nhiều điểm. Một bên theo truyền thống này có thể ngần ngại và không mấy hào hứng do lo ngại về những khác biệt của hệ thống pháp luật khác.

Tuy vậy, sự đa dạng và khác biệt lại luôn là động lực thúc đẩy phát triển, các truyền thống pháp lý đã và đang phát triển để phản ánh tốt hơn các nguyên tắc cơ bản của mình đồng thời hấp thụ những ưu việt của truyền thống còn lại, đặc biệt trong bối cảnh thực tiễn luôn biến đổi sinh động và toàn cầu hóa đã xóa nhòa ranh rới địa lý.

Ông Vũ Ánh Dương cho biết, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là đang có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, và chúng ta không thể bỏ qua những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực đầy tiềm năng và năng động này.

“Ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả trong đầu tư công, hợp tác công tư hay đầu tư tư nhân đang có sự gia tăng, tuy nhiên bên cạnh những cơ hội  thì cũng luôn tiểm ẩn các rủi ro, xung đột, các tranh chấp, từ tranh các hoạt động này”, ông Vũ Ánh Dương cho hay.

Hội nghị đã thu hút gần 200 đại biểu tham dự

Hội nghị đã thu hút gần 200 đại biểu tham dự

Ông Vũ Ánh Dương cho biết thêm, tại VIAC, khoảng 20% các vụ việc mới mỗi năm là các vụ việc phát sinh trong hoạt động xây dựng (bao gồm các tranh chấp liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư) và chiếm hơn 90% tổng giá trị tranh chấp hàng năm.

Giải quyết tranh chấp Trọng tài xây dựng, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, luôn đòi hỏi chuyên môn sâu và kinh nghiệm của các đối tượng liên quan. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với các Trọng tài viên, Luật sư của các Bên mà còn cả đội ngũ nhân sự của tổ chức trọng tài trong việc tổ chức và điều phối quá trình giải quyết tranh chấp.

“VIAC tự tin là một tổ chức có đủ khả năng trong việc điều phối và giải quyết tranh chấp phức tạp thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”, ông Vũ Ánh Dương khẳng định.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Dubai (DIAC)

Empty

Là tổ chức Trọng tài và Hòa giải hàng đầu tại mỗi nền tài phán và có uy tín quốc tế, VIAC và DIAC cùng chia sẻ mục tiêu trong việc thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp khác theo quy định của pháp luật một cách thân thiện, công bằng, thuận lợi và nhanh chóng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước và với nước ngoài.

Theo Thỏa thuận Hợp tác, hai bên cam kết đồng hành cùng nhau trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả thông qua trọng tài thương mại cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp (ADR) khác.

Thỏa thuận Hợp tác giữa VIAC và DIAC được kỳ vọng sẽ tiếp thêm một bước tiến trong việc tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Dubai cũng như các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Thông qua các hoạt động triển khai theo thỏa thuận hợp tác này, các bên mong muốn góp phần thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi trọng tài như một phương thức hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp thương mại, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại và kinh tế giữa các bên không chỉ tại Việt Nam, Dubai mà còn ở các quốc gia khác.

Cao Ánh

comment Bình luận