TP. HCM: Phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025

UBND TP. HCM vừa ban hành phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp thủy lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm mùa khô.
9:25 | 06/02/2025

Ngoài ra, phương án cũng nhằm đảm đảo mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện phương án, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, có trọng điểm, ưu tiên theo từng thời đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất từng khu vực trên địa bàn Thành phố.

Việc thực hiện cần phải huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành Thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị có liên quan trong công tác thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác vận hành công trình hồ chứa thượng nguồn Thành phố.

Các giải pháp thực hiện bao gồm 05 nội dung chính: Giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, Giải pháp về thủy lợi, giải pháp về trồng trọt, Giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Giải pháp về lâm nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, với giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, UBND Thành phố yêu cầu cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025; Tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp dự trữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước.

Song song, tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch; Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn Thành phố. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; chủ động phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam xác định lịch xả nước của hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương lấy nước, trữ nước đảm bảo phục vụ cho dân sinh, dịch vụ, công nghiệp và cho sản xuất nông nghiệp.

Với giải pháp về thủy lợi, UBND Thành phố yêu cầu tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống cháy rừng.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo vận hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt; Thường xuyên kiểm tra và kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vào hệ thống công trình thủy lợi, sông, kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước.

Với giải pháp về trồng trọt, UBND Thành phố yêu cầu thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao; Tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm.

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.

Với giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, UBND Thành phố yêu cầu thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng đó, từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp công nghệ mới để đánh giá chọn lọc, nhân giống các vật nuôi có nguồn gien tốt, có khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Với giải pháp về lâm nghiệp, UBND Thành phố yêu cầu rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn để xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của chính quyền các cấp và người dân; tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và cây phân tán; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các loại phương tiện, trang thết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết, đặc biệt phục vụ phòng chống cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng và các vùng có cây lâm nghiệp phân tán ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Được biết, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn đứng thứ 3 sau lũ lụt và bão mà TP. HCM nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2025) như sau: Sông Đồng Nai từ nay đến tháng 3/2025, mực nước trên sông Đồng Nai biến đổi chậm với xu thế xuống dần. Sông Cửu Long từ cuối tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long xuống dần, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn 10-15% so với trung bình nhiều năm. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

Trong tháng 2 và tháng 3 năm 2025, khả năng xảy ra các đợt xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông Cửu Long gây ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế - xã hội tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Thanh Mai

comment Bình luận