TP. HCM: Cảnh báo vấn nạn buôn người, bán thận, trao đổi người mang thai hộ

Chiều 19/4, Sở Y tế phối hợp với Công an TP. HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền phổ biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người, mang thai hộ cho nhân viên ngành y tế trên địa bàn TP. HCM.
16:18 | 20/04/2024

Tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Bảo Khâm – Phòng Cảnh sát Công an hình sự TP. HCM cho biết những hoạt động mua bán trẻ sơ sinh ngày càng tinh vi. Phương thức thủ đoạn thực hiện chủ yếu là làm giả các giấy tờ, đặc biệt là giấy xét nghiệm ADN và giấy chứng sinh. Xuất phát từ các gia đình hiếm muộn muốn nhận con nuôi nhưng lại không rành các thủ tục giấy tờ muốn đi “đường tắt”, nên bị đối tượng lợi dụng để qua mặt cơ quan chức năng, thực hiện giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa cho những đứa trẻ bị bán. Theo Trung tá Nguyễn Bảo Khâm chia sẻ, cụ thể sao kê tài khoản ngân hàng của đối tượng thực hiện giấy tờ giả trong một năm là hơn 2 tỷ 800 triệu đồng.

Trung tá Nguyễn Bảo Khâm thông tin, trong năm 2023, kết hợp với Công an quận 1, Phòng Cảnh sát Công an hình sự TP. HCM đã tiến hành bắt giữ các đối tượng mua bán trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Theo đó, các đối tượng này hành nghề chạy xe ôm và bán vé số lâu năm ở xung quanh khu vực bệnh viện.

Biết được nhu cầu nhận con nuôi ở khoa hiếm muộn, các đối tượng này tìm kiếm những trường hợp phụ nữ sinh con nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng, nên đã dụ dỗ, tự nhận là người xin con nuôi và chu cấp một số tiền để những người phụ nữ này đồng ý cho con. Tuy nhiên, thực tế các đối tượng cho người bế nhưng đứa trẻ mới sinh 3 – 4 ngày ra đường bán vé số, sau đó thuê phòng trọ, mua sữa ông thọ pha loãng ra cho các bé uống.

Một trường hợp khác, vào tháng 7/2023, người mẹ ở Bến Tre bán con ruột mới 2 tháng tuổi cho đối tượng với số tiền 16 triệu 500 ngàn đồng. Đối tượng này là môi giới chuyên đi tìm trên các hội, nhóm những người có nhu cầu xin con nuôi và sẽ đóng giả sau đó liên hệ với những gia đình muốn cho con để bán lại để hưởng số tiền chênh lệch.

“Điều đáng buồn là sau khi bị bắt giữ người mẹ lại không muốn nhận lại con, do đó đứa trẻ được đưa đến trung tâm bảo trợ xã hội theo diện đối tượng cần bảo trợ khẩn cấp” - Trung tá Nguyễn Bảo Khâm cho biết.

Được biết, hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em khung hình phạt không dưới 10 năm tù.

Đại diện các bệnh viện công lặp, bệnh viện ngoài công lập, phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức tham gia hội nghị trực truyến

Đại diện các bệnh viện công lặp, bệnh viện ngoài công lập, phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức tham gia hội nghị trực truyến

Bên cạnh các đường dây mua bán trẻ em, trẻ sơ sinh thì các hoạt động mua bán thận, buôn người sang Campuchia và mang thai hộ vẫn đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố. Về vấn đề mua bán bộ phận cơ thể người, các đối tượng hầu hết đều đã từng bán thận. Sau khi bán và biết được các phương thức thủ đoạn, quy trình, các đối tượng này thành lập nên một đường dây lôi kéo nhiều người bán thận để hình thành một ngân hàng thận. Mỗi người môi giới thành công sẽ được hưởng số tiền là 50 triệu đồng, sau khi chốt “hợp đồng” sẽ tiến hành làm giấy tờ giả để hợp thức hóa việc hiến thận.

“Cách đây khoảng 3 năm Bộ công an đã bắt được đường dây bán thận tại Campuchia và bắt quả tang khi đối tượng cầm 2 tỷ 400 triệu đồng chia cho các đối tượng bán thận” - Trung tá Nguyễn Bảo Khâm thông tin thêm.

Bên cạnh đó, vấn đề mang thai hộ cũng hình thành nhiều đường dây, trước tiên các đối tượng này sẽ lôi kéo hiến tinh trùng và hiến trứng, sau đó sẽ kết hợp tìm kiếm những gia đình cần mang thai hộ. Được biết, đối tượng mô giới sẽ nhận từ gia đình người đi thuê số tiền khoảng từ 1 tỷ 1 trăm triệu đồng đến 1 tỷ 2 trăm triệu đồng một trường hợp, nhưng trả cho người mang thai hộ khoảng 300 đến 350 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố hình thành rất nhiều đường dây mang thai hộ, thậm chí nhằm né tránh sự xử lý của pháp luật, nhiều đối tượng đưa người mang thai hộ sang nước ngoài (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,…) để thực hiện thủ thuật, sau đó sẽ về Việt Nam dưỡng thai, khi gần sinh sẽ sang nước ngoài để sinh con và nhận tiền.

Theo thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ, quy trình mang thai hộ tại cả 2 bệnh viện đều được chuẩn bị chu đáo, trải qua nhiều bước, thiết lập chặt chẽ, những người mang thai hộ được kiểm tra kỹ. Qua đó, phát hiện được những trường hợp giả hồ sơ và tráo đổi người mang thai hộ.

Trung tá Nguyễn Bảo Khâm chia sẻ, Tổ phòng chống tại phạm về buôn bán người và xâm hại trẻ em - Phòng Cảnh sát hình sự TP. HCM đang cố gắng khắc phục những khó khăn về nhân lực, trình độ con người và thời gian. Tổ công tác rất quyết liệt trong vấn đề này bởi tội phạm buôn người là tội phạm mang tính chất vô nhân đạo, xâm phạm đến người yếu thế, đặc biệt là trẻ em.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận