TP. Đà Nẵng: Quận Sơn Trà phun thuốc diện rộng chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thời tiết năm nay mưa nắng thất thường tại TP. Đà Nẵng, vào thời điểm sắp bước vào Tết Nguyên đán là điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes Aegypti phát triển, gây bùng phát dịch trên diện rộng.
8:08 | 20/01/2024

Từ ngày 1/12/2023 đến ngày 7/1/2024, toàn quận Sơn Trà ghi nhận 123 ca SXH với 19 ổ dịch nhỏ. Để chủ động công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Sơn Trà, trung tâm y tế quận Sơn Trà lập kế hoạch triển khai phun hóa chất chủ động tại 46 tổ dân phố (tương đương 23 khu vực) thuộc phường Nại Hiên Đông, Phước Mỹ và An Hải Bắc.

Ngoài triển khai đồng loạt các biện pháp chống dịch như khoanh vùng dịch tễ, điều trị ca bệnh, tiêu diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi,… trung tâm y tế quận Sơn Trà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình. Chính nhờ chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, mà chính quyền địa phương và ngành chức năng đã khoanh vùng, tầm soát các ổ dịch SXH, phát quang, phun thuốc diệt muỗi, vận động người dân đổ bọ gậy và phòng muỗi đốt,… với mục tiêu khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn quận; giảm tỷ lệ tử vong do sốt suất huyết Dengue, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm.

Hàng năm, lực lượng y tế cơ sở ở trung tâm y tế quận Sơn Trà đều ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy, khơi thông dòng chảy. Các gia đình đều tự ý thức dọn vệ sinh trong và xung quanh nhà sạch sẽ, đổ các chum, chậu nước, dọn rác và phát quang bụi rậm,… để muỗi không có nơi trú ẩn và phát triển.

Quận Sơn Trà phun thuốc diện rộng chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Quận Sơn Trà phun thuốc diện rộng chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Cán bộ chuyên trách phòng chống dịch trung tâm y tế Sơn Trà cho biết, các biện pháp điều trị bệnh SXH cũng như phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy được coi là giải pháp bền vững trong nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh SXH. Để làm được điều này phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Ngành y tế quận thường xuyên phát động mô hình diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống bệnh SXH dựa vào cộng đồng với thông điệp “không có bọ gậy, không có muỗi gây bệnh SXH”. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy trong nhà và môi trường xung quanh.

Công tác phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được UBND, ngành y tế quận và các cơ quan, đoàn thể, địa phương quan tâm thực hiện. Để phòng, chống bệnh SXH, ngành y tế huyện luôn chủ động phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: Diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, phun thuốc, tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng, chống bệnh SXH,… Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch đã mang lại nhiều kết quả tích cực, hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một bộ phận người dân chủ quan, hiểu chưa đúng tác hại của dịch bệnh SXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện. Để ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ở luôn sạch sẽ, không để muỗi có nơi trú ẩn và phát triển; tập thói quen đi ngủ mắc mùng cẩn thận. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Phước An

 
comment Bình luận