Thừa Thiên Huế: Triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ

Chiều ngày 17/11, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo và các Phó giám đốc Sở Y tế đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự có trưởng các phòng của sở; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.
17:11 | 18/11/2023

Theo báo cáo của các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc, để chủ động công tác phòng chống bão lụt các đơn vị đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện. Thực hiện nghiêm túc thường trực cấp cứu 24/24h sẵn sàng thu dung cấp cứu nạn nhân. Bố trí các đội cấp cứu lưu động, đội cơ động phòng chống dịch, đội xử lý môi trường luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra. Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, đơn vị khác khi có yêu cầu.

PGS.TSBS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cuộc họp tại đầu cầu Sở Y tế

PGS.TSBS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cuộc họp tại đầu cầu Sở Y tế

Các đơn vị có vị trí thấp trũng như Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và Phú Lộc có các biện pháp phòng chống lũ lụt có thể xảy ra trên diện rộng, chuẩn bị thêm thuyền cấp cứu để nắm bắt tình hình bệnh nhân đang điều trị nội trú để có phương án chuyển tuyến, người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân; tình hình các sản phụ đến thời kỳ sinh đẻ, công tác ứng cứu cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị theo phương châm phòng chống lụt bão 4 tại chỗ,… đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân và tài sản của nhà nước. Trong những ngày mưa lũ vừa qua, y tế Thừa Thiên Huế đã cấp cứu gần 1.000 bệnh nhân và đưa 182 trường hợp bà mẹ mang thai trên 36 tuần đến các cơ sở y tế.

Điểm cầu tại trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Điểm cầu tại trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt của các đơn vị y tế, đồng thời đề nghị các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi lũ lụt đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ; hướng dẫn người dân vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín, uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh; tăng cường công tác quản lý thai sản, các bà mẹ đang mang thai ở các vùng thấp trũng; đảm bảo an toàn vắc xin tiêm chủng. Đặc biệt, các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp ứng cho tuyến dưới khi có lệnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cần chủ động các điều kiện hỗ trợ các đơn vị y tế và các trường học khắc phục hậu quả sau thiên tai, đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Duy trì thường xuyên, liên tục hệ thống thông tin liên lạc giữa các tuyến và chỉ đạo của cấp trên. Chuẩn bị đầy đủ công tác hậu cần cho công tác khám chữa bệnh khi lũ lụt xảy ra.

Phương Huy - Quang Trung

 
comment Bình luận