Thừa Thiên Huế: Tiếp nhận tiêm chủng bệnh nhi bị chó cắn với nhiều vết thương sâu

Ngày 31/10, phòng tiêm chủng dịch vụ - trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận một bệnh nhi bị chó cắn với nhiều vết thương sâu khá phức tạp .
10:08 | 03/11/2023

Theo người nhà cho biết, ngày 29/10 bệnh nhi ra đường chơi thì bị chó nhà hàng xóm cắn, sau đó được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Do vết thương sâu và phức tạp nên bé đã được phẫu thuật mỗ cắt lọc làm sạch các vết thương, loại bỏ da cơ có nguy cơ hoại tử, trong đó có vết thương sâu dài xấp xỉ 20 cm.

Ngày 31/10 bệnh nhi được người nhà đưa đến trung tâm kiểm soát bệnh tật để tiêm chủng vắc xin và được bác sĩ khám chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin dại kết hợp với vắc xin uốn ván và tư vấn tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Hiện tại bệnh nhi vẫn được theo dõi điều trị tại bệnh viện và tiếp tục tiêm chủng vắc xin dại theo phác đồ đúng lịch, tuy nhiên vẫn còn bị sang chấn tâm lý.

bệnh nhi bị chó cắn với nhiều vết thương sâu khá phức tạp

bệnh nhi bị chó cắn với nhiều vết thương sâu khá phức tạp

Đây là một ca bệnh nặng do chó cắn với vết thương phức tạp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ em. Do vậy các gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm, không thả rông vật nuôi ra đường, khi ra đường cần phải đeo rọ mõm

Người bị chó mèo cắn, liếm vào vết thương hở thì phải rửa ngay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 15 phút, rửa càng sớm càng tốt hoặc rửa các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iod, cồn 70 độ,…. sau đó đến bệnh viện để xử lý vết thương, đánh giá tình trạng vết thương và tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh ngay sau khi xử lý.

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc bôi đắp bất cứ vật gì vào vết thương do chó, mèo cắn hoặc tự chữa bằng các mẹo dân gian, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

BS.CKI Phan Thị Hồng Nhạn

comment Bình luận