Thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh sản

Ngày 6/1, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức Hội nghị Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng năm 2023, với chủ đề “Thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh sản”. Hội nghị nhằm chia sẻ các kiến thức, kỹ thuật mới, xu thế mới trong điều trị hiếm muộn đang được triển khai tại Việt Nam và trên thế giới.
21:28 | 06/01/2024

Tham dự Hội nghị có ThS.BS Đinh Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TP. HCM, TS.BS Phạm Việt Thanh - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TS.BS Lê Quang Thanh - Chủ tịch Hội Y học Bà mẹ và Thai nhi TP. HCM, cùng đông đảo các đại biểu là lãnh đạo bệnh viện tuyến đầu về sản phụ khoa, và các nhà khoa học, các thầy cô, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Hội nghị Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng năm 2023

Hội nghị Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng năm 2023

Phát biểu khai mạc hội nghị, BS.CKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Năm 1997 khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ tự hào là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam. Sau 25 năm hoạt động và phát triển trong lĩnh vực hiếm muộn, đến nay đã có hơn 17.000 trẻ ra đời bằng phương pháp IVF tại bệnh viện. Với sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng điều trị hiếm muộn, bệnh viện đã đạt được chứng nhận quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản (chứng nhận RTAC), được Bộ Y tế tin tưởng, giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa cho toàn bộ khu vực phía Nam.

Hội nghị Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng năm 2023 là nơi các đại biểu và nhà khoa học cập nhập, chia sẻ những kiến thức nghiên cứu mới về các kỹ thuật IVF như: Xu hướng mới bảo tồn sinh sản với kỹ thuật trữ mô buồng trứng; Sản phẩm giàu tiểu cầu với sự tái tạo nội mạc tử cung; Quan điểm mới về vai trò progesteron trước chuyển phôi; Cập nhập chẩn đoán và xử trí hội chứng buồng trứng đa nang; Ứng dụng time - lapse trong thụ tinh ống nghiệm hiện đại; Giá trị mới của progestin trong kích thích buồng trứng IVF; Giá trị mới: nội soi buồng tử cung và kết quả điều trị hiếm muộn,…

Chia sẻ nghiên cứu mới về kỹ thuật trữ mô buồng trứng trong việc bảo tồn sinh sản, TS.BS Lê Thị Minh Châu – Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Trữ mô buồng trứng là biện pháp bảo tồn sinh sản mà bệnh nhân có thể trữ nguồn giao tử ngay ở thời điểm mong muốn, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý, đây cũng là biện pháp duy nhất giúp bảo tồn sinh sản cho những trường hợp trước tuổi dậy thì.

TS.BS Lê Thị Minh Châu – Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ về kỹ thuật trữ mô buồng trứng

TS.BS Lê Thị Minh Châu – Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ về kỹ thuật trữ mô buồng trứng

Kỹ thuật này có thể áp dụng cho bệnh nhân ung thư chuẩn bị hoá, xạ trị, hoặc các bệnh lý không ác tính như cắt u buồng trứng một hay hai bên do u lành, nguy cơ mãn kinh sớm, bệnh lành tính cần hoá trị. Kỹ thuật trữ mô buồng trứng cho kết quả khả quan sau khi thực hiện cấy ghép trên chuột thí nghiệm.

“Với sự thành công của nghiên cứu này, có thể tạo thêm một bước tiến trong hỗ trợ sinh sản, tương lai sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn hiệu quả cho nhiều người có nhu cầu bảo tồn khả năng sinh sản”. TS.BS Lê Thị Minh Châu, nhấn mạnh.

Về ứng dụng time - lapse trong thụ tinh ống nghiệm hiện đại, KS Nguyễn Đặng Bích Trâm – Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Hệ thống nuôi cấy được tối ưu hoá và chọn đúng phôi có tiên lượng tốt là hai yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong điều trị hiếm muộn. Hệ thống time – lapse được đưa vào nghiên cứu và sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho việc quan sát phôi liên tục qua hệ thống hình ảnh số được ghi nhận liên tục, mà không làm gián đoạn môi trường nuôi cấy phôi.

Hơn nữa, các nghiên cứu hiện tại đang chú trọng phát triển hệ thống time – lapse có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp dự đoán những phôi thai “tiềm năng”, nhằm lựa chọn chính xác phôi tốt, tăng cơ hội mang thai cho người bệnh. Đây là bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật sàng lọc phôi không xâm lấn và được xem là giải pháp đầy hứa hẹn trong quy trình hỗ trợ sinh sản hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị, ThS.BS Đinh Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế nhận định: Sau 25 năm triển khai kỹ thuật IVF, đến nay Việt Nam đã có 54 cơ sở thực hiện IVF và đã mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ có thai lâm sàng khi thực hiện IVF trước đây chỉ đạt 10 - 20%, thì hiện nay tỷ lệ này đã nâng lên từ 40 – 60%.

Tuy nhiên, nhìn lại chúng ta vẫn thấy nhiều thách thức: Về trình độ thực hiện kỹ thuật IVF tại các bệnh viện là khác nhau, bởi không phải cơ sở thực hiện IVF nào tỷ lệ có thai lâm sàng cũng cao; thách thức về kỹ thuật (tỷ lệ trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, di tật bẩm sinh,… ); thách thức về chi phí (hiện chi phí khi thực hiện IVF vẫn cao, đối với đại bộ phận người lao động, hành trình tìm con của họ còn nhiều khó khăn); thách thức về chính sách (chính sách pháp luật rõ ràng cho hoạt động điều trị hiếm muộn vô sinh còn nhiều hạn chế). Do vậy, tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản để thực hiện các hành vi như buôn bán tinh trùng, buôn bán phôi người, đẻ thuê,… vẫn diễn ra phức tạp.

ThS.BS Đinh Anh Tuấn mong rằng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa, chúng ta từng bước khắc phục được những thách thức, giúp cho hoạt động hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển tốt hơn.

Ngọc Lan

comment Bình luận