Tây Ninh: Sơ kết hoạt động chương trình chống lao 9 tháng đầu năm 2024

Ngày 31/10, đoàn công tác Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) đến giám sát hoạt động phòng, chống lao tại tỉnh Tây Ninh.
10:26 | 01/11/2024

Đoàn công tác do TS.BSCC. Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương/Trưởng BĐH CTCLQG làm trưởng đoàn; cùng đi có phòng chỉ đạo tuyến, phòng chỉ đạo chương trình và đại diện dự án kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia. Tiếp đoàn, có đại diện phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi báo cáo hoạt động 9 tháng đầu năm 2024 về chương trình chống lao của tỉnh, tình hình kiểm soát lao khu vực biên giới. Đại diện Trường đại học OSLO tại Việt Nam báo cáo về phần mềm DHIS2 kiểm soát bệnh nhân lao qua biên giới.

PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng BĐH CTCLQG phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng BĐH CTCLQG phát biểu tại hội nghị

Chương trình chống lao ở Tây Ninh vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% huyện/thành phố/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chương trình chống lao tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao, bao gồm phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược 2X (X-Quang sàng lọc và xét nghiệm Gene Xpert để chẩn đoán); triển khai, mở rộng các hoạt động gắn liền với nâng cao vai trò của hệ thống y tế cơ sở để tăng cường phát hiện, chẩn đoán và điều trị, đồng thời duy trì bền vững công tác phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Trong buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đưa ra ý kiến góp ý để cải thiện chương trình phòng chống lao trên địa bàn tỉnh. PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng BĐH CTCLQG phát biểu chỉ đạo: Muốn đạt hết mục tiêu chuyên môn về bệnh lao cho Tây Ninh và nước lân cận, bệnh viện phải huy động nhân dân và cộng đồng cùng tham gia, phải có cơ cấu tổ chức ổn định, củng cố công tác quản lý bệnh viện, tăng số giường bệnh từ 50 lên 100 giường (đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực chất lượng, đào tạo, chỉ đạo tuyến). Lưu ý phổ cập kiến thức tuyến tỉnh trước, phát triển kỹ thuật cận lâm sàng từ cơ bản đến nâng cao, xử lý các bệnh thông thường nội khoa ngoại khoa, phục hồi chức năng hô hấp,… đáp ứng nhu cầu chăm sóc nhân dân.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của dự án IOM và phần mềm DHIS2 để góp phần đạt mục tiêu công tác phòng chống lao tại địa phương. Từ những thực tiễn khó khăn, được sự chỉ đạo, hỗ trợ công tác chuyên môn từ Sở Y tế, các dự án, căn cứ các cơ sở pháp lý nên chú trọng việc tăng cường tỷ lệ phát hiện (các trại giam, các cơ sở y tế công lập và tư nhân, y tế cơ sở và các phòng khám tư nhân), mở rộng các chỉ định cho tất cả các đối tượng nghi lao.

Trong quá trình thực hiện, nếu thiếu vật tư thì báo cáo về cấp trên để được hỗ trợ kịp thời, tận dụng những gì hiện có tại tỉnh để sàng lọc càng nhiều càng tốt, lưu ý không để tình trạng kit test hết hạn, sắp hết hạn. Thuốc dự trù đúng theo phác đồ, dự kiến bệnh nhân đừng để thừa và thanh lý. Còn về định mức tài chính thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương để dễ hoạt động. Được biết, trong thời gian tới sẽ có dự án triển khai tại 6 tỉnh biên giới trong đó có Tây Ninh.

Kim Nguyên

comment Bình luận