Kon Tum: Tăng cường công tác khám, chẩn đoán, quản lý bệnh lao

Vừa qua, Sở Y tế Kon Tum ban hành văn bản số 3354/SYT-NVYD về tăng cường công tác khám, chẩn đoán, quản lý bệnh lao.
14:45 | 27/08/2024

Theo báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 18/8/2024, có 1.406 người được xét nghiệm đờm chẩn đoán bệnh lao, chiếm khoảng 0,23% dân số, đạt 23% so với chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2024. Hầu hết các trung tâm y tế đều không đạt chỉ tiêu về xét nghiệm đờm (trừ Đăk Glei). Trên toàn tỉnh ghi nhận 219 trường hợp mắc lao được quản lý, điều trị (TP. Kon Tum: 68, Đăk Hà: 47, Sa Thầy: 21, Đăk Tô: 20, Đăk Glei: 16, Tu Mơ Rông: 16, Ngọc Hồi: 15, Kon Rẫy: 10, Kon Plong: 3, Ia H’Drai: 3), giảm 68 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh lao theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bám sát tình hình lao tại địa phương để kịp thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Tiếp tục tăng cường giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về công tác phòng chống lao. Hỗ trợ các trung tâm y tế huyện, thành phố quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân lao kháng đa thuốc và bệnh nhân lao thường đang điều trị tấn công các cơ sở y tế hoặc điều trị duy trì tại nhà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi Tích cực khám sàng lọc, chẩn đoán bệnh lao tại cơ sở y tế, chụp X-quang phổi, xét nghiệm sàng lọc lao cho các nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc lao cao (người nhiễm HIV, người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao, bệnh nhân đái tháo đường, người mắc bệnh mạn tính…), chuyển mẫu đờm xét nghiệm Gene Xpert đối với người có tổn thương nghi lao trên phim Xquang và các nhóm có nguy cơ kháng thuốc cao (bệnh nhân lao tái phát, điều trị lại sau bỏ trị...) về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để chẩn đoán bệnh lao và lao kháng thuốc.

Đề nghị trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường hoạt động khám sàng lọc, phát hiện bệnh lao chủ động trong cộng đồng, tích cực sàng lọc chẩn đoán bệnh lao tại cơ sở y tế. Quản lý chặt chẽ nhóm người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh lao; khẩn trương củng cố công tác xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao đảm bảo xét nghiệm đờm đạt 1% dân số/năm theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đẩy mạnh công tác sàng lọc bệnh lao bằng X-quang phổi cho người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh lao và các đối tượng có nguy cơ mắc lao cao để chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời cho bệnh nhân lao. Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ điều trị đối với người bệnh lao mới phát hiện; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc điều trị, đảm bảo bệnh nhân được cấp thuốc đầy đủ, đúng phác đồ.

Minh Huệ

comment Bình luận