Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với trẻ em

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ.
10:53 | 07/10/2023

Vi chất dinh dưỡng là các loại vitamin (vitamin A, B, C, D, E, K,...) và khoáng chất (sắt, kẽm, đồng, canxi, phốt pho, I-ốt,...) cần thiết cho cơ thể. Nếu không bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cơ thể sẽ có các biểu hiện như:

Thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, khô mắt, loét giác mạc, chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da.

Trẻ thiếu I-ốt từ trong bào thai sẽ bị tổn thương não nặng nề như đần độn và bị các khuyết tật thần kinh khác. Bởi I-ốt là chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp hóc môn, giúp cho sự tăng trưởng của cơ thể, sự hình thành và phát triển của não.

Sắt cũng là một vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Nếu trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực.

Vitamin D và canxi có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng; thiếu 2 vi chất này, trẻ sẽ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm.

Kẽm là thành phần của hơn 300 enzyme tham gia các hoạt động của cơ thể giúp tăng hấp thu, tổng hợp chất đạm, tạo cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ phát triển chiều cao; thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng, chậm phát triển thể chất, trí não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phòng chống thiếu vi dinh dưỡng cho trẻ

- Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và uống thêm viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, ưu tiên sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương.

- Sử dụng phối hợp 15 - 20 loại thức ăn từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

- Không bắt trẻ ăn kiêng khi bị bệnh.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn cho trẻ.

- Tẩy giun 2 lần một năm cho trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống để phòng chống nhiễm giun.

- Sử dụng muối I-ốt hoặc bột canh I-ốt trong chế biến thức ăn.

- Đừng tự bổ sung vi chất dinh dưỡng kéo dài khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

- Hãy theo dõi sự tăng trưởng của bé và nên đi khám tư vấn dinh dưỡng định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Ngọc Nguyễn T/H

 
comment Bình luận