Chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Sự già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người cao tuổi.
15:51 | 06/10/2023

Những vấn đề sức khỏe người cao tuổi gặp phải

Ở người cao tuổi, mọi cơ quan trong cơ thể đều lão hóa và dần suy giảm chức năng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Những đặc điểm sức khỏe phổ biến ở người cao tuổi như:

Giảm hấp thu: Tiêu hóa là một chức năng rất quan trọng có liên quan mật thiết đến dinh dưỡng. Ở người lớn tuổi, hệ tiêu hoá dần bị thoái hóa, đặc biệt là sự giảm tiết dịch vị dạ dày gây ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12, acid folic, calci, sắt và kẽm, dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng, tác động không tốt đến sức khỏe. Bên cạnh đó, răng yếu và rụng, cơ nhai không còn linh hoạt, tuyến nước bọt tiết ít khiến cho việc nghiền nát thức ăn kém hiệu quả, kết hợp với việc giảm tiết acid dạ dày khiến cho hệ tiêu hóa phải chịu sức ép nặng nề, dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu.

Vị giác suy giảm: Đối với những người có vấn đề về sức khỏe, cần phải dùng thuốc điều trị kéo dài dẫn đến chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm, làm cho khẩu vị thay đổi, ăn không ngon miệng, chán ăn. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu hụt dinh dưỡng ở người cao tuổi.

Giảm nhu cầu năng lượng: Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Nhu cầu về năng lượng ở người cao tuổi là từ 1700 - 1900 kcal/người/ngày, do đó người cao tuổi thường ăn ít hơn. Ngoài ra, người cao tuổi hoạt động ít hơn, khối cơ giảm đi 1/3 so với người trẻ. Khối lượng khối cơ của cơ thể có vai trò chuyển hóa quan trọng bởi vì cơ xương là nơi chuyển hóa glucose lớn nhất và liên quan đến sự dung nạp glucose. Việc duy trì khối cơ là điểm then chốt bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.

Giảm khối xương: Ở người cao tuổi, quá trình tổng hợp vitamin D ở da giảm đi trong khi lượng vitamin D nạp vào không đủ, do giảm nhu cầu năng lượng và giảm hấp thu, thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không nhiều, dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Sự già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi

Sự già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi

Nguyên tắc chung trong chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi

Có thể nói tuổi tác gây tác động rất lớn đến sức khỏe con người nói chung và tình trạng dinh dưỡng nói riêng. Vậy nên để đảm bảo và tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn, phù hợp với nhu cầu, cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng.

Giảm mức ăn, đặc biệt là giảm tinh bột: Nhu cầu năng lượng của người lớn tuổi giảm đi cho nên cần phải chú ý cắt giảm khẩu phần ăn so với thời trẻ. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn quá nhiều trong một bữa chính, ăn chậm nhai kỹ, tạo không khí vui vẻ thoải mái trong bữa ăn. Khuyến khích ăn các thức ăn thực vật như rau xanh, đậu đỗ, mè, đậu, hoa quả chín và tôm, cá. Thức ăn nên được chế biến kĩ, thái nhỏ, hấp hoặc luộc thay vì chiên rán, nên có món canh trong bữa ăn để phù hợp với hàm răng yếu của người già cũng như hỗ trợ việc nuốt và tiêu hóa dễ dàng hơn. Tránh ăn quá no và cần chú ý ăn uống điều độ, đặc biệt là trong những ngày lễ tết.

Duy trì chế độ ăn giảm thịt, giảm chất béo và muối: Người cao tuổi không nên ăn nhiều thịt mà thay vào đó nên ăn các loại thực phẩm giàu calci như tôm, cua, cá. Không nên ăn các loại thức ăn có chứa nhiều cholesterol như da, nội tạng động vật (gan, óc…). Ngoài ra, khuyến khích người cao tuổi nên ăn các loại protein thực vật như đậu, tàu hủ…vì chúng có chứa thêm chất xơ giúp đào thải cholesterol hiệu quả hơn. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần, 3 quả trứng/tuần và có thể ăn thêm sữa chua để có lợi cho tiêu hóa hơn. Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, lượng chất béo thực vật nên chiếm 35% trong tổng lượng chất béo. Hạn chế ăn mặn, lượng muối ăn vào không quá 5 gam/người/ngày vì ăn mặn có liên quan trực tiếp đến bệnh cao huyết áp ở người lớn tuổi. Hạn chế ăn các loại thức ăn đóng hộp, dưa cà, dưa muối, khô, mắm, các món kho quá mặn,…

Ăn nhiều rau xanh, trái cây: Rau quả cung cấp cho cơ thể người lớn tuổi nhiều chất dinh dưỡng nhất là các chất khoáng (kali, calci, magie…), vitamin và acid hữu cơ. Một đặc tính sinh học quan trọng là rau quả tạo cảm giác thèm ăn và kích thích dịch tiêu hóa. Bữa ăn có rau tạo điều kiện thuận lợi cho sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, rau quả là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng, chống táo bón, đẩy các chất béo thừa ra khỏi lòng ruột, giảm cholesterol.

Uống đủ nước theo nhu cầu: Nước giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể ra bên ngoài. Trung bình mỗi người cần phải uống 1,5 – 2 lít nước/ngày (trung bình 0,4 lít/10 kg cân nặng), nên uống chủ động không cần đợi khi cảm thấy khát mới uống. Khuyến khích uống nước lọc, nước trái cây không đường, không nên dùng các loại nước uống đóng chai vì chứa nhiều đường hóa học và chất bảo quản. Các loại đồ uống chứa cồn, các loại trà, cà phê tuy là nguồn cung cấp nước nhưng chúng gây lợi tiểu, sẽ làm tăng tốc độ mất nước của cơ thể qua da và thận.

Người cao tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt cần được sự quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình và cả toàn xã hội. Tuy già yếu ốm đau là điều không thể tránh khỏi theo thời gian, nhưng nếu người cao tuổi được quan tâm chăm sóc toàn diện, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh và vận động thể lực phù hợp thì không chỉ sức khỏe được nâng cao mà còn giảm gánh nặng về y tế cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Thư

 
comment Bình luận