Sau sáp nhập, y tế cơ sở duy trì hoạt động ra sao?

Sau sáp nhập, y tế cơ sở duy trì hoạt động ra sao?
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, hệ thống y tế cơ sở vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tại các địa bàn cũ để bảo đảm người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ y tế ban đầu.
17:05 | 08/07/2025

Tại các tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập chính quyền cấp tỉnh, những cơ sở y tế không thay đổi chức năng, nhiệm vụ sẽ giữ nguyên trụ sở, tiếp tục hoạt động trên nền tảng cơ sở hạ tầng hiện có. Các địa phương được yêu cầu rà soát, nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và phòng bệnh của người dân.

Với những đơn vị có bổ sung chức năng, nhiệm vụ, các tỉnh, thành sẽ chủ động điều chỉnh từ nguồn trụ sở dôi dư, bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp và yêu cầu nhiệm vụ mới sau sáp nhập.

bo-noi-vu-huong-dan-sap-xep-bo-tri-can-bo-vien-chuc-khi-tinh-gon-bo-may-9894

Tại các tỉnh thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, Bộ Y tế yêu cầu phải rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, đánh giá sự phù hợp của hệ thống hạ tầng hiện hữu so với quy mô dân số và nhiệm vụ của đơn vị hành chính mới. Việc sắp xếp lại cơ sở y tế cấp huyện cũng cần đảm bảo tính liên tục, hiệu quả và không làm gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Các cơ sở y tế đang hoạt động sẽ tiếp tục duy trì trụ sở, nhà đất và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, địa phương phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả tài sản công, bao gồm việc cải tạo, nâng cấp hoặc điều chuyển, nhaằm đảm bảo hoạt động y tế không bị xáo trộn sau khi hành chính địa phương thay đổi.

Riêng với trạm y tế xã, phường – nơi trực tiếp cung cấp dịch vụ y tế ban đầu cho người dân – Bộ Y tế yêu cầu tăng cường năng lực hoạt động sau sáp nhập. Nếu tại đơn vị hành chính mới có nhiều trạm y tế, sẽ lựa chọn cơ sở có vị trí thuận lợi và điều kiện tốt nhất làm cơ sở chính. Các trạm còn lại được rà soát để tiếp tục bố trí hoạt động, góp phần mở rộng mạng lưới dịch vụ y tế.

Trường hợp cần thiết, địa phương có thể điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích cho cơ sở chính bằng cách tận dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập.

Bộ Y tế cũng quy định rõ tiêu chuẩn diện tích làm việc trong các cơ sở y tế: khu vực làm việc cho nhân viên y tế cần từ 4–6m²/người; khu vực chờ 1,2–1,5m²/người lớn và 1,5–1,8m²/trẻ em. Diện tích phòng lưu bệnh nhân từ 12–15m²/giường, chưa bao gồm không gian phụ trợ.

Hướng dẫn này nhằm đảm bảo hoạt động y tế cơ sở tiếp tục diễn ra ổn định, hiệu quả, không gây xáo trộn và luôn đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong bối cảnh tổ chức lại chính quyền địa phương.

Thuý Hiền

comment Bình luận