Sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau sẵn sàng vươn xa

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao.
8:51 | 01/08/2024

Hiện nay, các ngành, các cấp trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút, khuyến khích chủ thể tham gia xếp hạng 3 sao. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về đạt chuẩn 4 sao, 5 sao. Cùng với đó, là sự nỗ lực, quyết tâm của chủ thể, đáp ứng các điều kiện để sản phẩm OCOP trong tỉnh sẵn sàng vươn xa.

Với lợi thế đa dạng, phong phú nguồn nguyên liệu từ các ngành nông - lâm - ngư, tỉnh Cà Mau đang trở thành địa phương tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Qua hơn 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, đã mở ra một bước ngoặt lớn cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương gắn với liên kết, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây là một trong những động lực quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Trở thành mục tiêu phấn đấu của chủ thể, không ngừng hoàn thiện, nỗ lực nâng chất sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu cao hơn.

Chủ thể OCOP trong tỉnh chủ động chuẩn bị vùng nuôi, đảm bảo tiêu chí về nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm

Chủ thể OCOP trong tỉnh chủ động chuẩn bị vùng nuôi, đảm bảo tiêu chí về nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm

Qua các tiêu chí đánh giá, sản phẩm được công nhận OCOP càng khẳng định chất lượng, vị thế trên thị trường, củng cố lòng tin về uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao theo đó được đánh giá bởi hội đồng các cấp: huyện, tỉnh và Trung ương, với quy định về yêu cầu sản phẩm nghiêm ngặt. Mục tiêu trong năm 2024, dự kiến tỉnh sẽ có 22 sản phẩm của 13 chủ thể đăng ký tham gia nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 09 sản phẩm của 6 chủ thể nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề nhằm thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, đồng thời khẳng định vị thế những sản vật vùng bán đảo Cà Mau với bạn bè ở trong và ngoài nước.

Giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn) Mai Thị Thùy Trang cho biết: “Đợt này, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm đăng ký nâng hạng 2 sản phẩm là thịt cua và tôm khô sinh thái. Đến thời điểm này, Hợp tác xã đã chuẩn bị cơ bản các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao như: phải chứng minh được sản phẩm đủ điều kiện liên kết xuất khẩu, mở rộng cơ sở hạ tầng, đảm bảo vùng nuôi,... Các tiêu chí đều đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt và cấp chứng nhận. Hồ sơ đã được chuẩn bị đầy đủ và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chờ thẩm định”. 

Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) Mai Sáu cho biết: “Tham gia nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao là cơ hộ để sản phẩm của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩy Vĩnh Hòa Phát hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm. Ngoài những yêu cầu chứng nhận về chất lượng đạt tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận ISO, HACCP, đủ điều kiện từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến quá trình xuất sản phẩm. Các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định. Đến thời điểm này, Công ty đã cơ bản đáp ứng yêu cầu để đánh giá 5 sao, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để tham gia nâng hạng”.

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách để hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm. Thúc đẩy mạnh mẽ cho sản phẩm OCOP tỉnh có đủ tiểm lực để phát triển và cạnh tranh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hiện đang thực hiện thủ tục hỗ trợ sản phẩm xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP năm 2024, hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại cơ sở của chủ thể OCOP. Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ tư vấn chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cung cấp chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh Cà Mau, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, tham gia truy xuất nguồn gốc, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đã được hỗ trợ đến tay chủ thể thông qua chương trình khuyến công địa phương

Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đã được hỗ trợ đến tay chủ thể thông qua chương trình khuyến công địa phương

Thông qua chương trình khuyến công địa phương, Sở Công Thương triển khai thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho các chủ thể OCOP. Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Văn Minh cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai các đề án khuyến công Trung ương và địa phương đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác khu vực nông thôn đã được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, quy mô mở rộng, chất lượng, năng suất sản xuất tăng cao, thúc đẩy phát triển ổn định và bền vững hơn, nhất là đối với các chủ thể OCOP. Đến nay, thông qua chương trình khuyến công đã có 6 chủ thể được hỗ trợ thiết bị, máy móc. Có thể nói, việc thực hiện lồng ghép chương trình khuyến công đã giúp chủ thể có thêm nhiều cơ hội phát triển mới, tiếp cận với thị trường xuất khẩu nhanh hơn”.

Sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của chủ thể cho thấy sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau đang sẵn sàng vươn xa. Theo kế hoạch, hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao được hoàn tất và chuyển cho Hội đồng thẩm định, phân hạng trong tháng 7. Sau khi xem xét và đánh giá từ Hội đồng, nếu các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đủ điều kiện và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của chương trình sẽ là những sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh, là sản phẩm quốc gia tiêu biểu. Cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến và quảng bá mang tầm cỡ và quy mô lớn hơn, tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng theo đường chính ngạch, tạo nhiều bước tiến mới cho sản vật Cà Mau.

Bích Ngọc

comment Bình luận