Phương pháp phòng ngừa thiếu hụt I-ốt hiệu quả

I-ốt là vi chất quan trọng, thiết yếu để tuyến giáp tổng hợp các hoóc-mon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa. Cơ thể con người nếu thiếu I-ốt sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
10:54 | 18/10/2023
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác hại của việc thiếu I-ốt

Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu I-ốt. Ở thai phụ nếu thiếu I-ốt sẽ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng,... Ngoài ra, thiếu I-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, thường xuyên mệt mỏi.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhân tim và thận nên giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để tránh nguy cơ bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Những người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng muối I-ốt vì I-ốt sẽ khiến bệnh nhân lồi mắt, run tay nhiều hơn.

Cách dùng và bảo quản muối I-ốt

Cách sử dụng muối I-ốt cũng giống như muối thường. Muối I-ốt hoàn toàn không hề làm thay đổi mùi vị thức ăn. Lượng I-ốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người, kể cả người không thiếu I-ốt. Muối I-ốt có thể dùng ướp thịt, cá, muối dưa cà, nêm thức ăn đang nấu trên bếp như bình thường.

Muối I-ốt có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động sống của con người, cũng như có tác dụng phòng chống nhiều bệnh lý. Vì thế, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung I-ốt đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng với một lượng vừa phải, mỗi ngày một người chỉ nên ăn khoảng 5 -  6 gam muối tương đương một muỗng cà phê, không nên sử dụng quá nhiều vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Nên để muối I-ốt trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilông buộc kín. Do I-ốt là chất dễ bay hơi nên lưu ý không rang muối I-ốt, không để muối I-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.

Phòng ngừa tiếu I-ốt

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đơn giản nhất là sử dụng muối I-ốt trong ăn uống và chế biến thức ăn. Việc bổ sung I-ốt phải diễn ra thường xuyên đều đặn hàng ngày và trong suốt cả cuộc đời. Ngoài bổ sung I-ốt vào muối ăn nên chọn các chế phẩm có chứa I-ốt như bột canh, bột nêm, nước mắm trong chế biến. Đồng thời, các bà nội trợ cần chọn các thực phẩm giàu I-ốt ở các loại hải sản như tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển; các loại rau lá xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi,… trong các bữa ăn hàng ngày để phòng ngừa thiếu i-ốt.

Thanh Bình

comment Bình luận