Phòng bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp

Bụi Silic là bụi có hàm lượng Silic tự do lớn hơn 5%. Hàm lượng Silic càng cao thì nguy cơ bị mắc bệnh càng lớn. Các loại bụi có hàm lượng Silic cao như thạch anh, cát, granit, samôt (phụ gia chịu nhiệt), tripoli (vật liệu đánh bóng thuỷ tinh, kim loại…).
9:15 | 06/01/2024

Bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp là bệnh xơ hoá phổi tiến triển do hít phải bụi chứa Silic tự do trong quá trình lao động. Tại Việt Nam Bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp là 1/35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi Silic là do tiếp xúc với bụi có chứa Silic trong quá trình lao động, đặc biệt là bụi có kích thước nhỏ hơn 5µm (còn được gọi là bụi hô hấp).

Giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi Silic tại nơi làm việc (ca làm việc tính theo thời lượng tiếp xúc 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần): Nồng độ Silic tự do trong bụi toàn phần là 0,3 mg/m3; Nồng độ Silic tự do trong bụi hô hấp là 0,1 mg/m3.

Thời gian tiếp xúc tối thiểu gây nên bệnh bụi phổi Silic cấp tính (nồng độ bụi Silic trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ngắn cho phép theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành) là 3 tháng và bệnh bụi phổi Silic mạn tính (nồng độ bụi Silic trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc cho phép theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành) là 5 năm.

Các ngành nghề dễ phát sinh bệnh bụi phổi Silic là khoan, đập, khai thác quặng đá có chứa Silic tự do; công việc luyện kim, đúc có tiếp xúc với bụi cát (phá dỡ khuôn đúc, làm sạch vật đúc…); đẽo và mài đá có chứa Silic tự do; sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng và các sản phẩm khác có chứa Silic tự do; chế biến chất carborundum, chế tạo thuỷ tinh, đồ sành sứ và các đồ gốm khác, gạch chịu lửa; làm sạch hoặc làm nhẵn bằng tia cá và các nghề, công việc khác có tiếp xúc với bụi chứa Silic tự do.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh bụi phổi Silic có các biểu hiện lâm sàng như khó thở khi gắng sức, lúc đầu khó thở ít, sau tăng dần; mệt, sút cân, ho, khạc đờm, đau ngực và suy hô hấp cấp; đau ngực và hay đau vùng đáy phổi. Đối với bệnh cấp tính cơn khó thở bắt đầu đột ngột, tiến triển nhanh, có thể có sốt và tử vong sau vài tháng.

Để dự phòng bị bệnh bụi phổi Silic cần áp dụng các biện pháp:

Về kỹ thuật: Tránh sản xuất trong điều kiện có tồn tại bụi Silic bằng cách thay thế các nguyên vật liệu phát sinh nhiều bụi chứa Silic bằng các nguyên vật liệu phát sinh ít bụi Silic, tăng độ ẩm nơi làm việc để giảm khả năng phát tán của bụi. Áp dụng chu trình sản xuất tự động, khép kín, thu bụi ngay khi phát sinh bằng hệ thống hút tại chỗ. Cách ly khu vực phát sinh bụi với các khu vực sản xuất khác. Tổ chức thời gian sản xuất, hợp lý…

Về y tế: Định kì kiểm tra đánh giá môi trường lao động, thực hiện các nội dung quản lý sức khoẻ người lao động ngay từ ban đầu, khám tuyển đến khi làm việc, khám sức khoẻ định kì (6 tháng/1 lần), khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kì bệnh nghề nghiệp… cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo đúng chủng loại theo yêu cầu công việc và số lượng cho tất cả người lao động.

Về cá nhân: Hiểu và nắm được các nguy cơ sức khoẻ tại vị trí công việc được phân công để kịp thời tham mưu phòng ngừa các tác động xấu đến sức khoẻ của bản thân. Tuân thủ các quy định về an toàn, luôn mang phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc…

Ngoài ra, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động là vô cùng cần thiết để công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đạt hiệu quả.

CKI.YTCC Phạm Thị Quỳnh

comment Bình luận