Cách phòng bệnh hô hấp mùa lạnh

Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển, kích ứng đường hô hấp gây ra các bệnh như viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản,...
14:24 | 02/12/2023

Tránh nhiễm lạnh

Khi cơ thể nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang,... và từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi. Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng khiến sức đề kháng cơ thể kém, nguyên nhân để bệnh hô hấp khởi phát. Sức đề kháng yếu khiến cho các loại vi rút, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Vì vậy, cần mặc ấm, giữ ấm mặt, cổ ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; tránh hút thuốc, khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

Với bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm. Vào mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt là hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than,...) bệnh dễ tái phát, gây khó thở.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc

Mùa lạnh làm cho một số người hút thuốc tăng lên. Hút thuốc làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy gây viêm mạn tính niêm mạc đường thở. Hệ thống lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản giảm hoạt động hoặc bị phá huỷ, bài xuất đờm ra khỏi đường hô hấp kém. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.

Không hút thuốc làm giảm tần suất các nhiễm trùng hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản,...

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, uống nhiều nước để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý để tránh nhiễm trùng răng miệng, mũi, họng.

Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.

Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp

Các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng cần được điều trị triệt để nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi,... Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu, cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp vỗ rung lồng ngực. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Liệu pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân giãn phế quản.

Tiêm phòng vaccine

Cần tiêm phòng vaccine các vaccine phòng bệnh hô hấp như: tiêm vaccine cúm hàng năm, vaccine phế cầu mỗi 5 năm một lần.

ThS.BS Lê Trung Quân

comment Bình luận